Cục An toàn thông tin cho biết, thời gian gần đây, nhiều trang Facebook tiếp tục mạo danh Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) để thông báo tổ chức các cuộc thi (âm nhạc, mỹ thuật, toán học) hoặc các sự kiện thể thao, cấp học bổng tiếng Anh...
Cụ thể, một trang Facebook đăng tải bài viết kêu gọi phụ huynh cho con tham gia cuộc thi Toán học quốc tế Kangaroo với cơ cấu giải thưởng lên đến 150 triệu đồng. Trang này còn nêu rằng thí sinh đoạt giải sẽ nhận được bằng khen của Bộ GD-ĐT.
Một trang khác lại đăng bài viết với nội dung "Hưởng ứng đề án của Chính phủ, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Bộ GD-ĐT cùng quỹ tài trợ triển khai chương trình học bổng hỗ trợ tối đa 80% học phí cho các khóa IELTS, tiếng Anh giao tiếp...".
Trước đó, vào ngày 03/01, Bộ GD-ĐT đã cảnh báo văn bản giả mạo với nội dung "Triển khai học bổng Đại học Bách khoa Hà Nội". Văn bản giả mạo này ký tên Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng và đóng dấu mộc đỏ.
Văn bản nêu sẽ cấp 5 suất học bổng cho sinh viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội với giá trị là 30.000 USD/sinh viên.
Về việc tổ chức xét duyệt, văn bản này yêu cầu sinh viên tham dự hội thảo do nhà trường tổ chức và nộp hồ sơ trực tiếp. Hồ sơ bao gồm các giấy tờ như: mẫu chứng nhận tài sản, đảm bảo tài chính; đơn xin cấp học bổng; bảng điểm và bản photo giấy chứng nhận, bằng khen (nếu có).
Đặc biệt trong thời gian vừa qua, loạt trường đại học bao gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM, Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), Đại học FPT, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cũng phải ra thông báo cảnh báo hành vi làm giả công văn của trường để lừa đảo học sinh, sinh viên.
Các đối tượng lừa đảo thường mượn danh nhà trường, thông báo các chương trình học bổng, du học để lừa sinh viên đóng một khoản tiền lớn.
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân tuyệt đối không tin vào những thông tin thiếu tính xác thực. Tránh tham gia vào các sự kiện, hội nhóm, chương trình đăng tải bởi những đối tượng rõ nguồn gốc được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội. Không chuyển tiền khi chưa xác nhận được danh tính đối tượng.
Nếu nhận được thông báo yêu cầu nộp tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân từ một “cán bộ Bộ GD&ĐT”, hãy kiểm tra và xác minh thông tin với cơ quan chức năng chính thức của Bộ GD&ĐT qua các kênh liên lạc công khai như website chính thức hoặc số điện thoại hỗ trợ.
Người dân nên truy cập vào website chính thức của Bộ GD&ĐT tại www.moet.gov.vn hoặc các cổng thông tin uy tín khác để xác minh thông tin về các chương trình, quy định.
Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, hoặc nộp tiền theo yêu cầu từ các đối tượng không rõ nguồn gốc.
Nếu phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ giả mạo, hãy báo ngay cho cơ quan Công an hoặc thông qua đường dây nóng của Bộ GD&ĐT để được giải quyết kịp thời.