Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về Luật Việc làm (sửa đổi) diễn ra mới đây, các đại biểu thảo luận và cho ý kiến về các nội dung quan trọng như chính sách hỗ trợ việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt là đối tượng nghỉ sau sắp xếp bộ máy.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện cơ quan trình dự án luật nhấn mạnh sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Việc làm nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia.
Nhiều đại biểu đề xuất bổ sung các quy định về việc làm cho các nhóm lao động yếu thế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong tạo việc làm và tăng cường kết nối giữa giáo dục nghề nghiệp với nhu cầu thị trường lao động.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) cho biết, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cần thể chế hóa đầy đủ các định hướng lớn của Nghị quyết 57, đưa những định hướng lớn đó thành quy định của pháp luật.
Theo đại biểu, mặc dù có nhiều điểm mới, nhưng dự thảo Luật Việc làm vẫn phải tiếp tục xem xét thêm như chính sách phát triển nhân lực số còn thiếu chiều sâu; hạ tầng số của thị trường lao động chưa được phát huy thành lợi thế cạnh tranh; cơ chế thúc đẩy việc làm sáng tạo còn mờ, thiếu động lực đột phá.
Nhiều hình thức việc làm mới trong kinh tế số chưa được thừa nhận rõ trong luật, dễ dẫn đến tư duy không quản được thì cấm, thiếu các quy định linh hoạt. Như vậy sẽ khó tạo đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo và có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội việc làm trong nền kinh tế số.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề cập đến trách nhiệm thông báo về việc tìm kiếm việc làm của người lao động.
Tán thành với quy định người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp phải thông báo về việc tìm kiếm việc làm, nhưng đại biểu cho rằng nên đơn giản và đa dạng hóa hình thức thông báo về việc tìm kiếm việc làm trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc bằng nhiều cách khác nhau, để người hưởng trợ cấp thất nghiệp tập trung dành thời gian tìm kiếm việc làm một cách sớm nhất, góp phần tạo ra giá trị cho xã hội.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, dự thảo lần này chưa có nhiều thông số và tiếp cận nhiều đến vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, trước đây chúng ta mới đề cập đến khoảng hơn 100.000 người khi sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy ở cấp trung ương, bây giờ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy với cấp tỉnh và không có cấp huyện thì con số có thể là 100.000 nhân với 2 hoặc là nhân với "n". "Chúng tôi cũng chưa thấy cơ quan nào chính thức thông báo số người ảnh hưởng do sắp xếp tổ chức bộ máy này", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Nội vụ tiếp cận sâu hơn về nội dung liên quan đến việc phát triển kỹ năng nghề và bố trí việc làm chung cho các đối tượng, trong đó đặc biệt quan tâm đến đối tượng nghỉ sau sắp xếp.
Bởi vì gần đây chúng ta thấy đối tượng nghỉ sau sắp xếp không phải chỉ là 2 năm, 3 năm, 4 năm mà có đến 10 năm. Hiện chưa có một thống kê nào để phân tích dữ liệu trong số những người nghỉ sau sắp xếp thì 2 năm là bao nhiêu người, 5 năm là bao nhiêu người, 10 năm là bao nhiêu người.
Vì vậy lần sửa đổi này cần lưu ý sâu hơn vấn đề xây dựng mô hình việc làm linh hoạt và các cơ chế, chính sách tiếp tục cho những người bị ảnh hưởng sau sắp xếp rời khu vực công sang khu vực tư.
Phó Chủ tịch cũng đề nghị Bộ Nội vụ tiếp tục quan tâm đến việc thiết kế các cơ chế, chính sách như hỗ trợ đào tạo lại nghề, có những chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp hoặc các khu vực công có thể tuyển dụng những người nghỉ sau sắp xếp nhưng có thể tiếp tục tham gia ở lĩnh vực, ở các trung tâm hoặc các hoạt động về dịch vụ công mà không phải trả lương từ ngân sách nhà nước.