Các định hướng mới về chính sách đất đai trong Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị được kỳ vọng sẽ tháo gỡ rào cản lớn cho khu vực tư nhân, đặc biệt là giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội mở rộng mặt bằng sản xuất, nâng quy mô hoạt động và tăng tốc phát triển
Cụ thể, Nghị quyết 68-NQ/TW đã xác lập nhiều định hướng chiến lược quan trọng, trong đó nhấn mạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ, các dự án khởi nghiệp sáng tạo tiếp cận đất đai và mặt bằng sản xuất. Một điểm đột phá là quy định dành tối thiểu 5% diện tích trong các khu công nghiệp (KCN) cho nhóm doanh nghiệp này, đi kèm chính sách ưu đãi giảm 30% tiền thuê đất trong 5 năm đầu.
Đây được đánh giá là cú hích lớn, mở ra dư địa phát triển cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ vốn đang loay hoay với bài toán mặt bằng – một yếu tố sống còn trong chiến lược mở rộng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Trên thực tế, mặt bằng sản xuất luôn là một trong những rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp nhỏ.
Tại TP.HCM – nơi tập trung đông đảo doanh nghiệp vừa và nhỏ – tình trạng khan hiếm đất sạch, giá thuê mặt bằng cao đã khiến nhiều đơn vị rơi vào thế bí.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su – Nhựa TP.HCM, chia sẻ: “Nguồn đất sạch phục vụ sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố rất hạn chế, giá thuê lại quá cao, khiến các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt ở khu vực nội đô, gặp rất nhiều khó khăn. Ngay cả khi muốn dịch chuyển ra vùng ven hay ngoại thành, họ cũng không dễ tiếp cận mặt bằng phù hợp do thiếu chính sách hỗ trợ.”
Không chỉ ngành nhựa, nhiều lĩnh vực khác như dệt may, chế biến thực phẩm, đồ gỗ… cũng đang đối mặt với bài toán thiếu hụt mặt bằng sản xuất phù hợp quy mô. Phần lớn các doanh nghiệp nhỏ, startup hiện nay buộc phải thuê nhà xưởng nhỏ lẻ trong khu dân cư hoặc khu vực không được quy hoạch bài bản, dẫn đến khó mở rộng quy mô và đầu tư dài hạn.
Một thực tế tồn tại lâu nay là các khu công nghiệp thường ưu tiên cho doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp FDI với nhu cầu thuê diện tích lớn, trong khi đó các doanh nghiệp nhỏ – dù chiếm tỷ lệ đông đảo – lại không dễ tiếp cận đất sạch đúng nhu cầu. Điều này vô hình trung làm tăng khoảng cách trong năng lực cạnh tranh giữa các nhóm doanh nghiệp.
Chính vì vậy, chính sách đất đai trong Nghị quyết 68-NQ/TW đang được cộng đồng doanh nghiệp nhỏ, khởi nghiệp đón nhận với nhiều kỳ vọng. Đây là lần đầu tiên quyền tiếp cận đất đai của khu vực kinh tế tư nhân – đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ – được đặt thành một định hướng cụ thể, kèm theo các chỉ tiêu và ưu đãi rõ ràng.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM, nhận định: “Chính sách về đất đai và giá thuê trong Nghị quyết số 68-NQ/TW có thể giúp các doanh nghiệp nhỏ chuyển dịch nhà xưởng từ nội đô ra ngoại thành hoặc các KCN đạt chuẩn, góp phần giảm chi phí đầu tư ban đầu, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đây là cơ hội quan trọng để họ trưởng thành và phát triển nhanh hơn trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt.”