Phát biểu tại Hội thảo quốc tế “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên TW Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, các cơ quan báo chí trên thế giới hiện quan tâm tới việc đa dạng hóa nguồn thu, trong đó tập trung vào các giải pháp như tổ chức sự kiện, thu hút tài trợ, hợp tác với mạng xã hội...
Phát biểu tại Hội thảo quốc tế "Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số", Ông Lê Quốc Minh - Ủy viên TW Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, các cơ quan báo chí trên thế giới hiện quan tâm tới việc đa dạng hóa nguồn thu, trong đó tập trung vào các giải pháp như tổ chức sự kiện, thu hút tài trợ, hợp tác với mạng xã hội...
Ngày 14/6 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TTT) phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, kinh tế báo chí góp phần tạo nên sự phát triển lành mạnh của nền báo chí Cách mạng Việt Nam. Nếu không có sự hỗ trợ đắc lực của kinh tế, không thể có một cơ quan báo chí mạnh được.
Theo Báo cáo tại Hội nghị Báo chí toàn quốc năm 2023, tính đến hết năm 2023, đối với báo, tạp chí, tỷ lệ tự đảm bảo chi thường xuyên chiếm 39%, tự đảm bảo một phần chi thường xuyên chiếm 36%, ngân sách Nhà nước (NSNN) bảo đảm chi thường xuyên chiếm 25%. Đối với phát thanh, truyền hình, tỷ lệ đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư chiếm 6,94%, tự đảm bảo chi thường xuyên chiếm 26,39%, tự đảm bảo một phần chi thường xuyên chiếm 66,67%.
Doanh thu của các báo, tạp chí 9 tháng đầu năm 2023 đã giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022. Còn tổng nguồn thu năm 2023 của các Đài Phát thanh - Truyền hình giảm 23% so với năm 2022. Hầu hết các đài đều không khai thác được hết thời lượng quảng cáo/ngày trên kênh chương trình theo quy định cho phép của Luật Quảng cáo (10% tổng thời lượng phát sóng/ngày; 5% tổng thời lượng phát sóng đối với kênh truyền hình trả tiền). Có đài, thời lượng quảng cáo trên kênh chỉ đạt vài phút/ngày.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhận định: “Dù là báo in, báo điện tử hay phát thanh - truyền hình vẫn dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Có lúc, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90%. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan báo chí đang phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google đã lấy đi khoảng 70% doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống”.
Các cơ quan báo chí đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Bên cạnh đó, cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất, cung cấp dịch vụ công sử dụng NSNN tại Nghị định 32/2019/NĐ-CP và chính sách về thuế đối với các cơ quan báo chí cần tiếp tục hoàn thiện để thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí.
Hiện nay, hàng năm chi thường xuyên cho báo chí là dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của NSNN. Chi cho đầu tư báo chí cũng thấp, chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của NSNN. Đặc biệt, một số cơ quan báo chí lớn không có hoặc có rất ít hỗ trợ hay đặt hàng từ ngân sách.
Về thu phí nội dung trên báo chí điện tử, hiện có 5 cơ quan báo chí triển khai gồm: Báo điện tử VietnamPlus (năm 2018), Báo điện tử VietnamNet, Tạp chí điện tử Ngày Nay (năm 2021), Báo Người Lao động, Báo Tuổi trẻ (năm 2022) và một số dạng thu phí kiểu thưởng cho tác giả hay "mời tác giả cốc café". Tuy nhiên, các cơ quan báo chí này mới chỉ thử nghiệm ở một số chuyên mục, được đầu tư hơn về chất lượng và nội dung. Mô hình thu phí nội dung ở Việt Nam mới chỉ ở bước khởi đầu, chưa tạo ra doanh thu đáng kể cho cơ quan báo chí.
Toàn cảnh Hội thảo quốc tế “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số'.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, thời gian qua, Bộ TTTT đã nỗ lực điều hướng quảng cáo sang báo chí với việc lập danh sách Whitelist với thông điệp “Làm nội dung sạch sẽ nhận được quảng cáo và quảng cáo sẽ tìm đến những nội dung sạch”. Việc triển khai đã có kết quả bước đầu, song cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai để phát huy hiệu quả như kỳ vọng.
Một số cơ quan báo chí chuyển đổi số trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện như Thông tấn xã Việt Nam, VOV, VTV, VietnamPlus, VnExpress, Báo Tuổi trẻ… hay một số báo chí địa phương. Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 06/4/2023, mục tiêu đến năm 2025, các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 30% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng, đây là thách thức lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc bố trí kinh phí, đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí thực hiện tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu, truyền thông chính sách còn hạn chế.
Trình bày tại hội thảo, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân cho rằng, hiện nay, báo chí toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức, như việc các ấn phẩm in giảm cả về số lượng lẫn doanh thu. Trong khi đó, các ấn phẩm số gia tăng nhưng không đáng kể. Điều quan trọng là phần tăng của ấn phẩm số không thể bù đắp cho phần mất đi của báo in.
Về quảng cáo, dù thị trường quảng cáo toàn cầu trong những năm gần đây tăng, nhưng với báo chí thì lại giảm. Trước thực tế này, các cơ quan báo chí trên thế giới đã quan tâm tới việc đa dạng hóa nguồn thu, trong đó tập trung vào các giải pháp như tổ chức sự kiện, thu hút tài trợ, hợp tác với mạng xã hội cũng như các nền tảng công nghệ-trí tuệ nhân tạo... Trong thời gian tới đây, các cơ quan báo chí truyền thông cũng sẽ hướng tới tìm kiếm doanh thu từ độc giả như một "nguồn thu an toàn".
Ông Lê Quốc Minh cũng đưa ra một số xu hướng các cơ quan báo chí lớn trên thế giới thực hiện đa dạng hóa nguồn thu, bao gồm: Quảng cáo truyền thống; thực hiện tường thu phí; làm truyền thông; tổ chức sự kiện; thương mại điện tử; cấp phép thương hiệu; cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin; tổ chức nghiên cứu...
Cũng tại hội thảo, PGS. TS. Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV cho biết, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử - cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ kỹ thuật số. Dựa trên nền tảng công nghệ mới, cốt lõi là trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, Internet vạn vật… công nghệ số đang tạo ra không gian phát triển mới cho chính phủ số - kinh tế số - xã hội số…
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số, PGS. TS. Đặng Thị Thu Hương nhận định, sự cạnh tranh giữa các cơ quan báo chí truyền thông nhằm thu hút công chúng và lôi kéo nhà quảng cáo diễn ra ngày một gay gắt, quyết liệt. Sự xuất hiện và lan truyền rộng khắp của các nền tảng số (như Facebook, Google và Apple) cùng với khả năng bứt phá đáng kinh ngạc của công nghệ thông tin đang thách thức các mô hình kinh doanh truyền thống, từng đem lại thành công cho các cơ quan báo chí nhiều thập kỷ qua.
Trong bối cảnh NSNN cấp cho các cơ quan báo chí chiếm tỷ lệ thấp và ngày càng giảm, hoạt động liên kết sản xuất chương trình của các đài phát thanh - truyền hình bị thu hẹp đáng kể về số lượng đối tác và số lượng chương trình, doanh thu từ quảng cáo sa sút.
Cụ thể, đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định (số 348/QĐ-TTg) phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, với các mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước), các cơ quan báo chí tối ưu hoá nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí tăng doan thu tối thiểu 20%.
Với những thống kê trên, PGS. TS. Đặng Thị Thu Hương nhận định: “Kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh phát triển kinh tế số đang đặt ra rất nhiều thời cơ và thách thức để báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đồng thời, phải giữ vững mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước”.
Trong khi đó, PGS.TS Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và truyền thông trường Đại học KHXH&NV đã khái quát bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế báo chí-truyền thông tại Việt Nam.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ TTTT năm 2023, doanh thu toàn ngành ước đạt 3.744.214 tỷ đồng, tăng 1,49% so năm 2022; nộp NSNN ước đạt 99.323 tỷ Việt Nam đồng, tăng 1,31% so năm 2022; đóng góp vào GDP của ngành thông tin và truyền thông ước đạt 887.398 tỷ đồng, tăng 1,34% so với năm 2022; tổng số lao động toàn ngành năm 2023 ước khoảng 1.767.766 lao động, tăng 2,72% so năm 2022.
Riêng doanh thu truyền thông đạt ngưỡng 4 tỷ USD cho thấy sự tăng trưởng và tiềm năng của ngành truyền thông trong việc tạo ra giá trị kinh tế. Cũng theo thống kê của Bộ, nguồn thu của các cơ quan báo chí trải theo phổ rất rộng từ 200-300 triệu cho đến mức 4-5.000 tỷ đồng.
"Tuy nhiên, thực tế hiện nay, số cơ quan báo chí có nguồn thu ở mức nghìn tỷ chỉ còn khoảng một, hai cơ quan báo chí", ông Trung cho biết thêm.
Khẳng định kinh tế báo chí là một động lực quan trọng để phát triển báo chí-truyền thông trong thời đại kinh tế số, PGS.TS Bùi Chí Trung cũng thẳng thắn chỉ ra 5 điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển của kinh tế báo chí-truyền thông tại Việt Nam hiện nay, bao gồm: Vấn đề nhận thức, mục tiêu, sức ép của sự bùng nổ công nghệ-kỹ thuật, việc điều hòa quan hệ lợi ích và điểm nghẽn trong xây dựng cấu trúc hệ thống tổng thể của nền kinh tế báo chí-truyền thông và thể chế quản lý báo chí-truyền thông đáp ứng yêu cầu mới.
Do đó, theo PGS.TS Bùi Chí Trung, đổi mới hoạt động kinh tế báo chí truyền thông chính là mắt xích chính yếu để đổi mới toàn diện hệ thống báo chí-truyền thông trong bối cảnh số.
Tại hội thảo này, các ý kiến của đại diện các cơ quan, các diễn giả, nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan báo chí là những cái nhìn khách quan, đầy đủ các khía cạnh liên quan đến kinh tế báo chí truyền thông hiện nay; qua đó, đề xuất và kiến nghị với cơ quan chỉ đạo báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí và cơ quan có thẩm quyền những kiến giải tháo gỡ những “nút thắt” liên quan đến kinh tế báo chí truyền thông.