Trách nhiệm xã hội

Dấu ấn người mở đường

Đan Hà 01/12/2024 17:16

Cố Bộ trưởng Lê Văn Triết luôn khiến người khác ấn tượng bởi sự thông tuệ, hóm hỉnh. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã để lại nhiều dấu ấn về một nhà lãnh đạo tài ba, tiên phong, dám nghĩ, dám làm.

1. Chú Tư Triết là cách gọi thân mật và ngập tràn tình yêu mến, sự quý trọng mà mọi người dành cho ông Lê Văn Triết - Bộ trưởng Bộ Thương mại và Du lịch giai đoạn 8/1991 - 10/1992; Bộ trưởng Bộ Thương mại giai đoạn 10/1992 - 1997. Sinh ra trong một gia đình trí thức có truyền thống cách mạng, chú Tư Triết tham gia hoạt động cách mạng từ năm 16 tuổi, làm ở Ủy ban Kháng chiến Mỹ Tho, sau đó được cho đi học tại trường Huỳnh Phan Hộ, rồi vào Ban Quân giới.

levantriet-1.jpg
Cố Bộ trưởng Bộ Thương mại Lê Văn Triết.

Năm 1954, chú Tư Triết được đưa ra Bắc tập kết. Trước khi thoát ly làm cách mạng, chú Tư Triết từng được gia đình cho đi học trường Tây, thông thạo tiếng Pháp, rồi tự học tiếng Nga nên được chọn bồi dưỡng chuyên sâu tiếng Nga để đưa qua Liên Xô (cũ) đào tạo. Được đào tạo chính quy về kỹ thuật chế tạo máy, trở về nước, chú Tư Triết kinh qua nhiều vị trí công việc trong ngành cơ khí luyện kim và giữ chức Thứ trưởng Bộ Cơ khí luyện kim.

Sau năm 1975, chú Tư Triết tiếp tục được Nhà nước đưa đi đào tạo ở Viện Hàn lâm Kinh tế Liên Xô. Năm 1983, chú Tư Triết về công tác tại Thành ủy TP.HCM, được bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, rồi Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM, và sau này là Phó Bí thư Thành ủy.

Dấu ấn của chú Tư Triết được người dân TP.HCM nhắc tới nhiều nhất là những nỗ lực vì sự phát triển của Cần Giờ với việc xây dựng hơn 30 km đường và trồng lại rừng đước 30.000 ha. Việc làm đường hồi ấy chủ yếu là huy động sức người từ các quận, huyện, các nông trường, lực lượng thanh niên xung phong và lực lượng do Thành đoàn TPHCM huy động. Không thể kể hết bao khó khăn mà người dân và chính quyền Thành phố đã phải nỗ lực vượt qua để có được con đường thông suốt cho Cần Giờ như ngày hôm nay.

2. Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, chú Tư Triết được điều động làm Thứ trưởng Bộ Kinh tế đối ngoại. Không lâu sau, chú giữ chức Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp, sau này đổi tên là Bộ Thương mại. Bước đột phá mang dấu ấn Bộ trưởng Lê Văn Triết là quyết định cho xuất khẩu gạo. Chú Tư Triết kể, thời điểm đó, một số tỉnh phía Bắc vẫn còn khó khăn về lương thực nhưng có thể giải quyết được. Trong khi đó, vựa gạo miền Tây Nam bộ lại dồi dào về sản lượng nhờ việc chuyển đổi mô hình sản xuất từ hợp tác xã sang khoán 10 nên muốn xin xuất khẩu để có ngoại tệ, thúc đẩy sản xuất phát triển. Chú Tư Triết xin gặp đồng chí Phạm Hùng báo cáo tình hình thực tế và đã được đồng ý. Năm 1989, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu gạo đã đạt sản lượng hơn 1 triệu tấn, đánh dấu một bước ngoặt mới cho ngành nông nghiệp và từng bước ghi danh trên bản đồ lúa gạo thế giới.

levantriet-3.jpg
Lễ trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho đồng chí Lê Văn Triết, năm 2023. Ảnh: Việt Dũng

Khi Quốc hội khóa IX thông qua Luật Thương mại năm 1997, tạo hành lang pháp lý bước đầu cho hoạt động xuất nhập khẩu và sau này được tiếp tục sửa đổi để ngày càng thuận lợi hơn cho người dân. Bộ trưởng Bộ Thương mại Lê Văn Triết đã có nhiều đóng góp trong quá trình chuẩn bị và sửa đổi dự án luật này, nhằm tạo ra chính sách thông thoáng hơn để mọi thành phần đều tham gia hoạt động xuất nhập khẩu và từng bước hội nhập quốc tế.

Với vai trò Bộ trưởng Bộ Thương mại, chú Tư Triết có điều kiện thiết lập mối quan hệ với những người đồng cấp ở nhiều quốc gia, kể cả lãnh đạo cấp cao các nước và các tổ chức quốc tế. Đặc biệt, ông đã cùng với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm có nhiều chuyến đi đàm phán về xây dựng quan hệ Việt Nam - Mỹ và chuẩn bị những bước để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO).

3. Tôi có cơ duyên nhiều lần được gặp, hầu chuyện chú Tư Triết lúc sinh thời. Câu chuyện về những chuyến đi, những cuộc gặp lãnh đạo các nước để vận động cho Việt Nam gia nhập WTO và bình thường hóa quan hệ với Mỹ được chú kể với tất cả sự hào hứng. Thời điểm tuổi ngoài 90, chú vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, thông tuệ với một trí nhớ tuyệt vời.

levantriet-2.jpg
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng đến đồng chí Lê Văn Triết, năm 2023. Ảnh: Việt Dũng

“Đầu những năm 1990, tôi và Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm thường được tháp tùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phó Thủ tướng Nguyễn Cơ Thạch đi các nước để vận động cho Việt Nam gia nhập WTO. Khi đó, chúng ta khởi động cùng lúc việc gia nhập WTO và bình thường hóa quan hệ với Mỹ.

Có lần, Ngài Boutros Boutros-Ghali, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc mời đoàn Việt Nam qua Mỹ, tôi là Trưởng đoàn. Sau đó, Ngài Boutro Boutros-Ghali đã làm cầu nối để tôi có cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ. Trong cuộc gặp này, Ngài Bộ trưởng đã thông báo, Tổng thống khi đó là Ngài Bill Clinton sẽ xóa bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam và hỏi ý kiến tôi về việc đó. Tôi đã bày tỏ quan điểm rất vui mừng trước tin này và mong muốn trên cơ sở đó xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia. Sau đó, Chính phủ đã giao Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại chủ trì chuẩn bị những điều kiện để tiến tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước”.

“Về WTO, năm 1992, Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo cho tôi phải tìm biện pháp mở rộng thị trường xuất nhập khẩu cho Việt Nam. Sau một thời gian nghiên cứu, Bộ Thương mại đã đề xuất lên Chính phủ việc Việt Nam phải gia nhập Tổ chức thuế quan và Thương mại GATT (sau này đổi tên thành WTO). Thừa lệnh Chính phủ, năm 1994, tôi khi đó là Bộ trưởng Bộ Thương mại đã nộp đơn xin gia nhập GATT.

Việc đàm phán gia nhập GATT diễn ra hơn 10 năm với rất nhiều vòng từ song phương đến đa phương. Chúng ta may mắn vì đã được Chính phủ ủng hộ tuyệt đối bằng việc Thủ tướng ra quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế với đại diện của các bộ, ngành do Phó Thủ tướng là Chủ tịch. Về phía quốc tế, chúng ta nhận được sự ủng hộ của rất nhiều bạn bề trên khắp thế giới, đặc biệt là Ngài Arthur Dunkel, nguyên Giám đốc GATT đã hai nhiệm kỳ đứng ra làm cố vấn cho Việt Nam. Mỗi năm hai lần, Ngài Arthur Dunkel sang Việt Nam để giúp xây dựng phương án đàm phán và tổ chức các cuộc đàm phán giả định để đoàn Việt Nam có thêm kinh nghiệm.

Năm 2007, sau 13 năm sau khi nộp đơn xin gia nhập WTO, Việt Nam đã chính thức được công nhận là thành viên của tổ chức này. Rất tiếc là người bạn lớn của chúng ta, Ngài Arthur Dunkel đã không thể chờ đợi đến giây phút đó, ngài đã mất năm 2005 tại Thụy Sĩ”.

Giờ đây, chú Tư Triết đã đi xa, nhưng dấu ấn về một nhà lãnh đạo tài ba, tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dấu ấn về người nối nhịp cầu cho những cuộc bang giao của lãnh đạo Việt Nam và các nước từ việc làm ăn, buôn bán… luôn sống mãi trong lòng người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn người mở đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO