Với chủ đề "An toàn thông tin cho hạ tầng dữ liệu và nền tảng số quốc gia" Hội thảo - Triển lãm Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2024 đã diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức.
Hội thảo - Triển lãm Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2024 là diễn đàn thường niên quan trọng, được sự quan tâm của cộng đồng an toàn, an ninh mạng trong nước và quốc tế.
Hội thảo - Triển lãm Ngày An toàn thông tin Việt Nam năm nay hướng tới góp phần tạo ra môi trường chuyển đổi số an toàn, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước.
Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương cho biết, trong kỷ nguyên của những biến chuyển nhanh chóng này, hạ tầng dữ liệu và nền tảng số đã trở thành trụ cột then chốt cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Trong bối cảnh đó, bảo đảm an toàn thông tin cho hạ tầng dữ liệu và nền tảng số quốc gia trở thành yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết - không đơn thuần là vấn đề kỹ thuật mà còn là yếu tố quan trọng bảo đảm chủ quyền quốc gia trong không gian số.
Năm 2024 đánh dấu bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong lĩnh vực an toàn thông tin. Việt Nam xếp vị trí 17/194 quốc gia về an ninh mạng. Số vụ tấn công mạng trong 9 tháng năm 2024 giảm 55% so với cùng kỳ năm trước. Hệ thống giám sát quốc gia đã xử lý hơn 10,5 tỷ bản tin, ngăn chặn thành công hơn 14.552 website độc hại, bảo vệ an toàn cho hơn 11,32 triệu người dùng…
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, như nạn lừa đảo trực tuyến, nguy cơ về tấn công mạng… Đáng chú ý, nguồn nhân lực an ninh mạng của Việt Nam còn khá khiêm tốn với khoảng 38.000 người, chủ yếu tập trung ở khu vực tư nhân.
Trước thực trạng trên, theo Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương, một số giải pháp trọng tâm bảo vệ hạ tầng dữ liệu và nền tảng số quốc gia là xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp lý, rà soát, đánh giá tổng thể hiện trạng các hệ thống thông tin và triển khai bảo đảm an toàn theo cấp độ; xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo sớm; bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, các cuộc tấn công mạng liên tục phát triển với mức độ ngày càng tinh vi phức tạp, đặc biệt khi có sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI), nguy cơ chúng ta phải đối mặt sẽ ngày càng tăng theo cấp số nhân. Vì vậy, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nhấn mạnh, mọi cơ quan, tổ chức cần liên tục cải thiện năng lực an toàn thông tin, chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn thông tin và duy trì công tác này một cách liên tục.
Hội thảo Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2024 gồm 1 phiên toàn thể, 3 phiên chuyên đề. Trong đó, phiên hội thảo toàn thể với chủ đề "An toàn thông tin cho hạ tầng dữ liệu và nền tảng số quốc gia" gồm báo cáo chính do ông Trần Quang Hưng - quyền Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) trình bày, phân tích về hiện trạng bảo đảm an toàn thông tin tại Việt Nam và các khuyến nghị của cơ quan quản lý nhà nước...
Các tham luận tại Hội thảo cũng làm rõ thêm những thách thức trên không gian mạng và các biện pháp ứng phó, nhằm bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho tổ chức, doanh nghiệp.
Ngoài ra, các chuyên gia còn chia sẻ về ứng dụng AI bảo đảm an toàn thông tin trong những ngành kinh tế trọng yếu; bảo vệ dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế số.
Một trong những điểm nhấn quan trọng của hội thảo là lễ khai trương Nền tảng hỗ trợ diễn tập thực chiến an toàn thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông, do Cục An toàn thông tin thực hiện...
Hội thảo năm nay có sự tham gia của gần 40 diễn giả là lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước các chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng. Bên cạnh đó còn có hơn 30 gian hàng triển lãm, giới thiệu các giải pháp công nghệ an toàn thông tin tiên tiến của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.