Sáng 18/5, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã trả lời một số kiến nghị của đại biểu liên quan đến nghị quyết.
Nghị quyết mang tầm chiến lược, tháo gỡ điểm nghẽn lâu năm
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Văn Tiền – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Geleximco – đánh giá cao tinh thần đổi mới, đột phá của Nghị quyết 68-NQ/TW. Theo ông, việc Bộ Chính trị xác định kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia là sự thay đổi mang tính chiến lược, thể hiện tầm nhìn bao quát, đúng đắn về vai trò của khu vực này trong tổng thể nền kinh tế.
“Chúng tôi khẳng định đây là một cuộc cách mạng toàn diện về việc giải phóng lực lượng sản xuất,” ông Vũ Văn Tiền nói và cho rằng Nghị quyết 68 như “nắng hạn gặp mưa rào” đối với doanh nghiệp tư nhân – lực lượng đang mong mỏi được tháo gỡ rào cản trong nhiều năm qua.
Ông Tiền đề xuất cần có một cơ quan giám sát độc lập để đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh, mức độ tuân thủ và hiệu quả thực thi của các bộ, ngành, địa phương. “Đây cũng cần là kênh tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp và người dân để phản ánh trực tiếp đến Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ,” ông nhấn mạnh.
Giao việc thay vì chờ đấu thầu, ưu tiên hiệu quả thực chất
Trả lời kiến nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tinh thần mới trong tổ chức thực hiện là phải rà soát lại toàn bộ quá trình thi hành pháp luật, phát huy điều tốt, khắc phục bất cập, bất hợp lý. Đặc biệt, cần chuyển từ tư duy “xin – cho” sang “giao việc có trách nhiệm”, thay đổi cách tiếp cận trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế.
“Trước đây tất cả mọi việc đều phải đấu thầu, đấu giá, nhưng bây giờ phải giao việc cho doanh nghiệp. Đã giao thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, và thực hiện thì phải có kết quả,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước câu hỏi của đại diện Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam về số hóa quy trình pháp lý để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin thuận lợi hơn, Thủ tướng cho biết đã giao Bộ Tư pháp xây dựng Cổng pháp lý số. Đây sẽ là nơi công bố, cập nhật kịp thời các chủ trương, chính sách pháp luật, đồng thời là kênh để cộng đồng doanh nghiệp đóng góp, phản biện trong quá trình hoàn thiện thể chế.
Đề xuất dành quỹ đất và tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ
Phản ánh khó khăn thực tiễn, ông Vương Quốc Toàn – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng – cho biết hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp vướng mắc lớn về đất đai và nguồn vốn. “Các khu công nghiệp hiện nay đều quy định diện tích thuê phải từ 1ha trở lên, trong khi nhiều doanh nghiệp chỉ cần vài nghìn mét vuông để giải quyết việc làm cho hàng chục lao động,” ông nói.
Từ thực tế này, ông Toàn kiến nghị cần có khu công nghiệp quy mô nhỏ phù hợp với năng lực tài chính và nhu cầu thực tế của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trả lời vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Nghị quyết đã quy định rõ việc dành tối thiểu 20% diện tích trong khu công nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, Chính phủ sẽ cụ thể hóa nội dung này trong nghị định hướng dẫn thi hành sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 198. Về vốn, Chính phủ cũng sẽ có cơ chế ưu tiên tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ, giao cho hệ thống ngân hàng triển khai.