Tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới - World Travel Awards (WTA) khu vực châu Á và châu Đại Dương năm 2024 diễn ra đầu tháng 9 vừa qua, nhiều địa phương được vinh danh là “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á” năm 2024; Ninh Bình có Vườn quốc gia Cúc Phương được vinh danh Vườn quốc gia hàng đầu châu Á.
Hà Nam - “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á”
Năm nay, Hà Nam đã xuất sắc vượt qua nhiều ứng viên nổi tiếng khác như: Bandar Seri Begawan (Brunei), Bohol (Philippines), Flores (Indonesia), Koh Kood (Thái Lan), Melaka (Malaysia), Morioka (Nhật Bản), Okinawa (Nhật Bản), Phnom Penh (Campuchia), đảo Sumba (Indonesia) và Taipei (Đài Loan) để đạt danh hiệu “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á”.
Hà Nam nằm ở cửa ngõ phía nam Hà Nội, cách thủ đô khoảng 65 km. Đây là mảnh đất giàu tiềm năng phát triển du lịch tâm linh, văn hóa, sinh thái và ẩm thực khi có các di tích lịch sử, thắng cảnh và làng nghề nổi tiếng. Trong đó có những điểm du lịch thu hút đông đảo du khách như Quần thể danh thắng tâm linh Tam Chúc, chùa Địa Tạng Phi Lai, chùa Bà Đanh, chùa Long Đọi Sơn, Vương Cung thánh đường Sở Kiện…
Ngoài ra, Hà Nam còn có nhiều di tích, làng nghề, danh lam thắng cảnh khác như nhà Bá Kiến - nguyên mẫu làng Vũ Đại, Khu du lịch Kẽm Trống, Khu du lịch Đền Trúc - Ngũ Động Sơn, đền Trần Thương, làng kho cá Vũ Đại, làng trống Đọi Tam, làng nghề dệt lụa tơ tằm Nha Xá…
Điểm nhấn nổi bật trong các danh lam thắng cảnh của Hà Nam đó là quần thể danh thắng tâm linh Tam Chúc nằm ở thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng. Sở hữu địa thế “tựa sơn hướng thủy” cùng không gian thanh tịnh của chốn Phật pháp linh thiêng, ngôi chùa đã thu hút lượng lớn du khách đến đây tham quan hàng năm.
Nơi đây sở hữu khung cảnh thơ mộng hữu tình với hồ nước mênh mông ở phía trước, những dãy núi đá vôi hùng vĩ ở phía sau và các khu rừng tự nhiên bao quanh. Không gian thanh tịnh của chùa mang đến cho du khách cảm giác như đang đặt chân vào một thế giới bình yên, không có âu lo, muộn phiền.
Bên cạnh giải thưởng "Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á” năm 2024, năm ngoái, tỉnh Hà Nam cũng đã được Tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) vinh danh là “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới".
Hà Nam được biết đến không chỉ là điểm đến du lịch văn hóa địa phương, mà còn là điểm đến vui chơi nghỉ dưỡng đẳng cấp, điểm đến đầu tư đầy sức sống ngay tại cửa ngõ Hà Nội. Nơi đây chứa đựng những giá trị văn hóa, du lịch phong phú, đa dạng.
Cúc Phương được vinh danh Vườn quốc gia hàng đầu châu Á
Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) lần thứ 31 khu vực châu Á và châu Đại Dương diễn ra tối 3-9 tại Thủ đô Manila - Philippines.
Tin từ Ban quản lý Vườn quốc gia Cúc Phương cho biết rừng quốc gia tại Ninh Bình đã vượt qua nhiều đối thủ cạnh tranh nặng ký khác trên thế giới để được vinh danh như Vườn quốc gia Fuji-Hakone-Izu của Nhật Bản, Vườn quốc gia Chitwan của Nepal, Vườn quốc gia Minnieriya của Sri Lanka, Vườn quốc gia Kinabalu và Taman Negara của Malaysia và Vườn quốc gia Cát Tiên của Việt Nam.
Đây là lần thứ 6 liên tiếp (2019, 2020, 2021, 2022, 2023 và 2024) Vườn quốc gia Cúc Phương được vinh danh Vườn quốc gia hàng đầu châu Á (Asia's Leading National Park).
Với vị thế là vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam, hiện Vườn quốc gia Cúc Phương được đánh giá là một trong những đơn vị sự nghiệp công của Nhà nước đã và đang sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Chính phủ, hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Chính - Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương cho hay, sự kiện vinh danh của WTA là niềm vinh dự, tự hào lớn lao chung cho rừng Việt Nam, cho du lịch sinh thái Việt Nam. Giải thưởng không chỉ là nguồn động viên và tình cảm to lớn của cộng đồng trong nước và quốc tế cho những nỗ lực bền bỉ trong suốt hành trình hơn 60 năm qua của nhiều thế hệ cán bộ Vườn quốc gia Cúc Phương qua các thời kỳ. Đồng thời, đây cũng là sự ghi nhận những hy sinh, cống hiến của cộng đồng bản địa, các chuyên gia, nhà khoa học và hàng triệu du khách.
Cũng tại lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới lần thứ 31 khu vực châu Á và châu Đại Dương, nhiều điểm đến, thương hiệu doanh nghiệp, cơ quan quản lý du lịch địa phương của Việt Nam đã được vinh danh. Như Hà Giang được vinh danh ở hạng mục "Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á năm 2024.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam được xướng tên ở hạng mục "Cơ quan quản lý du lịch địa phương hàng đầu châu Á 2024", là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào đề cử. Và nhiều giải thưởng khác.
Gắn biển công nhận trên 4.000 Cây di sản Việt Nam
Mới đây, Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) tổ chức gắn biển công nhận Cây di sản Việt Nam đối với trên 4.000 cây thiết sam Đông Bắc và cây pơ mu tại khu vực Tà Cay Đằng, thuộc địa phận bản Nả Háng, xã Chế Tạo.
Các cây thiết sam và pơ mu nằm trong diện tích của Khu bảo tồn Loài và Sinh cảnh Mù Cang Chải rộng trên 20.000 ha. Khu vực này hiện có trên 1.000 cây thiết sam có độ tuổi từ 400 đến 800 năm, đường kính từ 2,5m đến 5,8m hoặc to hơn. Cùng đó là trên 3.000 cây pơ mu mọc tự nhiên, tập trung chủ yếu ở xã Chế Tạo, hầu hết trên 100 năm tuổi; một số cây có đường kính trên 2m, trong đó trên 1.000 cây có đường kính từ 1- 1,8m, chiều cao từ 15- 20 m.
Hiện ở Khu bảo tồn Loài và Sinh cảnh Mù Cang Chải còn có 221 loài, 162 giống, 61 họ thuộc hệ động vật có xương sống trên cạn; trong đó có 53 loài thú, 130 loài chim, 26 loài bò sát, 12 loài lưỡng cư...Đặc biệt, nơi đây cùng một số đàn vượn đen tuyền và nhiều loài động thực vật quý hiếm khác đang được cấp ủy, chính quyền và người dân bảo vệ nghiêm ngặt.
Việc tuyển chọn, vinh danh Cây Di sản Việt Nam do Hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (VACNE) khởi xướng từ năm 2010 với tên gọi "Bảo tồn cây Di sản Việt Nam" được nhiều tỉnh, thành phố hưởng ứng. Đến nay đã có hàng trăm cây, quần thể cây cổ thụ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Đây là những cây thân gỗ mọc tự nhiên hoặc được trồng, đang sống trên 100 năm tuổi đối với cây trồng và trên 200 năm tuổi đối với cây tự nhiên, có một hoặc một số giá trị về cảnh quan, môi trường, khoa học, văn hoá, lịch sử...