Công nghệ

Phát triển đa dạng thị trường khách du lịch

Trang Nhi 24/09/2024 18:27

Quyết tâm thực hiện mục tiêu đón hơn 18 triệu lượt khách du lịch, Việt Nam tập trung các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng lượng khách, trọng tâm là mở rộng, đa dạng thị trường khách du lịch trong những tháng cuối năm, nhất là khách quốc tế.

Đổi mới cách tiếp cận thị trường khách du lịch

Năm 2024, ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 110 triệu lượt khách nội địa. Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề mục tiêu cụ thể, năm 2025, phấn đấu đón từ 25-28 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8-9%/năm. Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13-15%/năm; đón 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4-5%/năm.

13-1941.jpg
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam du lịch ngày càng gia tăng.

Ngành Du lịch cũng đặt mục tiêu cơ cấu lại thị trường du lịch đảm bảo tăng trưởng bền vững khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, phù hợp với xu hướng, nhu cầu của thị trường; đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, hạn chế rủi ro trước những biến cố trong khu vực và thế giới. Cùng với đó, đảm bảo tăng trưởng ổn định khách du lịch nội địa, phân bố cân đối các vùng miền.

Hiện tại, ngành Du lịch đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đa dạng các thị trường khách du lịch, luôn chủ động tìm kiếm, xây dựng và phát triển thị trường khách tiềm năng.

Đối với thị trường nội địa, ngành Du lịch tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tại các địa phương trong nước như: Quảng Ninh, Hà Nội, TP. Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, tỉnh Điện Biên, tỉnh Bình Định...

Cùng với việc xác định và đẩy nhanh việc mở rộng thị trường khách nội địa, ngành Du lịch cũng chú trọng đến nhu cầu của các nhóm đối tượng khách để xây dựng chiến lược và phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp.

Hiện, khách du lịch đã thay đổi nhu cầu, mang tính chuyên biệt cao hơn, như: Tìm hiểu văn hóa, chơi golf, nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên... Vì vậy, chiến lược phát triển du lịch của Việt Nam cũng tập trung vào những biến động của thị trường và nhu cầu của khách để chủ động, thay đổi phù hợp với thị trường.

Giám đốc GBest Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa Nguyễn Thị Hà chia sẻ: Đổi mới cách quảng bá, tiếp cận thị trường chính là giải pháp quan trọng để thu hút được đa dạng nguồn khách. Thay vì truyền thông quá nhiều về tiềm năng thì cần tiếp cận khách hàng bằng chính chất lượng dịch vụ, trải nghiệm để du khách cảm thấy hấp dẫn và cần lan tỏa điều đó đến nhiều người.

Và thay vì tự mình quảng bá, cần đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp lữ hành trong nước và quốc tế để họ quảng bá về sản phẩm, điểm đến của mình. Bởi, khi tự nói về giá trị của mình, sức hấp dẫn của sản phẩm có thể sẽ không thuyết phục, nhưng để người khác nói thì hiệu quả chắc chắn sẽ tăng gấp nhiều lần.

Ở góc độ nhà quản lý, ông Nguyễn Quý Phương, Trưởng phòng Quản lý xúc tiến du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, nếu trước đây, ngành du lịch chỉ tập trung vào B2B (hỗ trợ doanh nghiệp), thì giờ ngành du lịch cần phải tiếp cận trực tiếp với khách hàng để cung cấp thông tin các điểm đến ở Việt Nam. Hiện nay, khách quốc tế không chỉ đi du lịch thuần túy mà khách kinh doanh cũng nhiều và đều ở khách sạn.

Qua nghiên cứu chi tiêu cho thấy chi tiêu hiện nay của khách chỉ ở mức độ cơ bản, ăn ở, đi lại… do đó, cần phát triển thêm sản phẩm, dịch vụ để kích thích nhu cầu chi tiêu của du khách. Muốn vậy, ngành du lịch cần đẩy mạnh liên kết với ngành Nông nghiệp, Công Thương để du khách tăng chi tiêu khi đến Việt Nam.

Ngược lại, để đạt hiệu quả về doanh thu, tất cả các ngành cần liên kết với nhau để tạo sản phẩm ưu đãi nhất, giá cả cạnh tranh nhưng có chất lượng cao nhất nhằm thu hút, kích thích nhu cầu chi tiêu của khách.

Cùng với việc phát triển thị trường nội địa, ngành Du lịch xác định phát triển các thị trường khách quốc tế, trọng tâm là khu vực Đông Bắc Á, tiếp đến là khu vực ASEAN, Tây Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông và Ấn Độ. Ngành Du lịch tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch, chiến lược marketing du lịch và các chính sách hỗ trợ xúc tiến du lịch; đầu tư xứng đáng cho hoạt động marketing điện tử; tăng cường các hoạt động marketing truyền thống. Đồng thời, triển khai các chiến dịch, sự kiện, các chương trình xúc tiến du lịch.

Đặc biệt, liên kết trong xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm tạo nguồn lực và sức mạnh tổng hợp cho các hoạt động xúc tiến, quảng bá và phát triển thị trường quốc tế.

Đối với một số thị trường tiềm năng như ASEAN và Đông Á, Việt Nam chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, tạo điều kiện tối đa cho việc xuất nhập cảnh của khách du lịch.

Liên kết để đa dạng nguồn khách và thị trường

Ở góc độ doanh nghiệp lữ hành, ông Võ Việt Hòa, Giám đốc khối du lịch quốc tế, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, cho biết muốn thu hút du khách đến Việt Nam và để đổi mới hoạt xúc tiến thương mại, Saigontourist sẽ đồng hành Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tham gia các sự kiện, tham gia mái nhà chung du lịch Việt Nam nhằm đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn.

Đơn vị cũng mong có thể phát triển các văn phòng xúc tiến thương mại du lịch ở châu Âu, Mỹ, ASEAN, Trung Quốc... để có thêm cơ hội quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ra thế giới. Ngoài ra, Việt Nam cần đầu tư hơn nữa nhân lực trẻ, giỏi trong công tác xúc tiến thương mại du lịch để có thể giới thiệu bài bản về du lịch Việt Nam cho bạn bè quốc tế.

14-1942.-san-bay.jpg
Quầy thủ tục của Vietnam Airlines rất đông khách trong nước và quốc tế.

Theo các chuyên gia, bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận và kết nối hàng không, ngành Du lịch có thể nâng cao nhận thức về thương hiệu thông qua việc mở rộng mạng đường bay quốc tế. Từ đó, tạo điều kiện phát triển sản phẩm du lịch kết hợp tài nguyên du lịch địa phương để tạo những bước nhảy vọt mới.

Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh nhận định, vấn đề liên kết trong ngành du lịch rất quan trọng, trong đó việc tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, địa phương, nhà quản lý cùng nhau tạo các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, khác biệt, tránh sự trùng lặp là điều kiện đầu tiên hấp dẫn du khách nước ngoài. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, nhà quản lý cũng cần liên kết trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế.

“Việt Nam đã có văn phòng đại diện xúc tiến du lịch ở Lào, sắp tới Hiệp hội du lịch TP. Hồ Chí Minh mong Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch có thêm văn phòng đại diện xúc tiến du lịch ở một số khu vực, đặc biệt là ở các nước Đông Bắc Á để mở rộng các thị trường xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam mở rộng hơn”, bà Nguyễn Thị Khánh cho biết.

"Mặt khác, để tránh những rủi ro lớn từ việc quá lệ thuộc vào một thị trường du lịch như hiện nay và hướng tới phát triển thị trường du lịch về chất lượng hơn là số lượng, Việt Nam cũng cần có những giải pháp đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đặc trưng, mang bản sắc vùng miền để thu hút đa dạng nhiều đối tượng khách", bà Nguyễn Thị Khánh đề xuất thêm.

Ngoài ra, việc quản lý thân thiện với môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị minh bạch là vấn đề toàn cầu, là yếu tố then chốt để chiến lược phát triển du lịch thành công. Thông qua các chính sách du lịch thân thiện và có trách nhiệm với môi trường, Việt Nam trở thành điểm đến bền vững đẳng cấp quốc tế. Hơn nữa, các dịch vụ du lịch thông minh được hỗ trợ bởi số hóa sẽ thu hút nhiều những du khách lẻ, du khách du lịch tự túc đến Việt Nam.

Có thể nói, cùng với các cấp, ngành, các doanh nghiệp đã và đang chủ động hơn trong việc tiếp cận thị trường mục tiêu. Tuy nhiên, để du lịch phát triển đúng hướng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phát huy hơn nữa vai trò “nhạc trưởng” trong công tác quảng bá, xúc tiến; định hướng thị trường; cơ cấu lại sản phẩm và chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần nghiên cứu điều chỉnh một số chính sách kích cầu du lịch nhằm phù hợp với nhu cầu của du khách và bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Có như vậy, du lịch mới có thể bứt tốc để về đích đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 110 triệu lượt khách nội địa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển đa dạng thị trường khách du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO