Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế và xu hướng chuyển đổi xanh toàn cầu sẽ giúp chúng ta đưa ra những kiến giải tốt nhất cho thị trường tài chính xanh Việt Nam, hướng đến quản trị và phát triển bền vững.
Theo xu hướng quốc tế, sau Hội nghị COP26 đã có một hội nghị rất lớn của hơn 400 định chế tài chính quốc tế, nắm giữ khoảng 130.000 tỷ USD tổng tài sản tài chính thế giới cam kết có những chính sách tài trợ cho câu chuyện xanh và phát triển bền vững. Việt Nam có tranh thủ hút được nguồn vốn này hay không là một câu hỏi lớn cần đi tìm lời giải.
Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế và xu hướng chuyển đổi xanh toàn cầu hiện nay sẽ giúp chúng ta đưa ra những kiến giải tốt nhất cho thị trường tài chính xanh của Việt Nam
Dữ liệu của Morningstar cho thấy, từ năm 2011 - 2020, số quỹ đầu tư phát triển bền vững ESG đã tăng trưởng gấp 4 lần và số tiền họ quản lý cũng như các nhà đầu tư góp vào quỹ này tăng rất lớn, khoảng 50.000 tỷ USD. Đây là những nguồn vốn khổng lồ, mà nếu các doanh nghiệp Việt Nam có thể thực hiện được chiến lược quản trị ESG thì các nhà đầu tư quốc tế sẽ tham gia vào mạnh mẽ.
Còn trong một bảng điều tra của PwC, khoảng 80% các nhà đầu tư trên thế giới cho rằng, nếu các doanh nghiệp trên thị trường hiện nay quan tâm tới phát triển bền vững, có thể sẽ có mức lợi nhuận tương đối ổn định, thậm chí là khá cao vì sẽ giúp chống chọi được với biến đổi khí hậu.
Tôi cho rằng, có ba vấn đề chính chúng ta cần lưu ý đối với Việt Nam đó là: Một, các cơ chế chính sách có khẩn trương để mở ra một môi trường pháp lý tốt cho doanh nghiệp Việt tiếp cận được nguồn vốn xanh hay không; Hai là vấn đề về công nghệ, chúng ta phải dám đi đầu và đổi mới; Ba là con người, doanh nghiệp có cam kết để làm thật hay không? Nếu đây vẫn chỉ là câu chuyện được thảo luận thì sẽ rất khó đi vào thực tiễn.
Về phương thức phát triển xanh hướng đến bền vững và ESG của toàn thế giới thực tế vẫn là “cuộc chơi” của những nước lớn, những quốc gia tiên tiến. Do đó, chúng ta phải có lộ trình và có câu chuyện tiếp cận một cách thông minh, nhằm đảm bảo phát triển mà vẫn có thể đi đến đích mong muốn.
Theo kinh nghiệm quốc tế, một số nước như Marocco hay khu vực Nam Mỹ, họ có các chính sách rất cụ thể, mục tiêu hỗ trợ rõ ràng cho tăng trưởng xanh. Ví dụ, các “khách sạn xanh” thì phải đặt mục tiêu giảm bao nhiêu carbon, bao nhiêu chất thải ra môi trường và có bao nhiêu lượng nước thải là sạch, sau đó xây dựng nguồn ngân sách hỗ trợ cho chương trình đó.
Bản thân các dự án xanh và các sản phẩm xanh đều có chi phí đầu tư công nghệ mới với giá thành cao, nên đầu ra sẽ gặp khó khăn
Để có ngân sách, các quốc gia này cũng có chính sách cụ thể dành cho những đối tượng nào được hưởng hỗ trợ và cuối cùng là lộ trình thực hiện việc giảm phát thải, tiết kiệm nguồn nước,... Tất cả các tiêu chí đều được đo lường bằng thống kê cụ thể, đồng thời có KPI cho các bộ, ngành được giao trách nhiệm.
Một câu chuyện được đặt ra gần đây đó là lĩnh vực dệt may của Bangladesh đã vượt lên trên Việt Nam. Theo tìm hiểu của tôi, đó là do Ngân hàng Trung ương Bangladesh đã có chương trình về tín dụng xanh từ cách đây 10 năm.
Cách làm của họ là hỗ trợ lãi suất cho vay với các dự án xanh trong ngành dệt may và ngân sách Nhà nước sẽ bù trực tiếp cho các ngân hàng thương mại. Ngân hàng Trung ương cũng đặt ra bộ tiêu chí về dự án xanh. Nếu ngân hàng thương mại cho vay đúng thì sau đó được thẩm định và cấp bù lãi suất thông qua Bộ Tài chính để cạnh tranh với nước ngoài.
Một điểm quan trọng hơn là bản thân các dự án xanh và các sản phẩm xanh đều có chi phí đầu tư công nghệ mới với giá thành cao, nên đầu ra sẽ gặp khó khăn, trong khi nguồn vốn của các ngân hàng thương mại là ngắn hạn, nên Ngân hàng Trung ương Bangladesh đã có 200 triệu USD chuyển sang quỹ tái cấp vốn xanh. Các ngân hàng thương mại sẽ mang hồ sơ dự án xanh lên Ngân hàng Trung ương để xin tái cấp vốn, giúp tránh rủi ro thanh khoản và đây cũng chính là lý do giúp giảm lãi suất cho vay ra tại nước này. Thực tế các chi phí vốn để vào dự án xanh phải được giảm đến mức tối đa thì mới mang lại hiệu quả đầu tư.
Ngoài những kinh nghiệm trên, đối với Việt Nam, thuế phí của các dự án xanh cũng cần được hỗ trợ. Đơn cử như chuyển dịch năng lượng thì giá FIT của các dự án rất quan trọng, đó là công cụ tài chính mà Bộ Công Thương và Bộ Tài chính phải cam kết ổn định lâu dài, minh bạch thì mới có thể kêu gọi nhà đầu tư.
Một điểm tôi cho rằng cần được đề cập là khâu đầu ra cho sản phẩm xanh. Trong các chính sách về đấu thầu, mua sắm của Chính phủ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính soạn thảo chưa có mục nào nói về đấu thầu chi tiêu công xanh. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển đổi xanh và thực hiện ESG sản xuất ra những sản phẩm xanh như giấy, bút, máy tính bảng,... thì có được ưu tiên và cộng bao nhiêu điểm để được trúng thầu.
Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế và xu hướng chuyển đổi xanh toàn cầu hiện nay sẽ giúp chúng ta đưa ra những kiến giải tốt nhất cho thị trường tài chính xanh của Việt Nam, hướng đến quản trị, phát triển bền vững của các định chế tài chính theo ESG.
Theo Diendandoanhnghiep