Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng tăng 4,04%
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, CPI bình quân tám tháng tăng 4,04% so với cùng kỳ năm trước và lạm phát cơ bản tăng 2,71%.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng tăng 4,04%.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng Tám chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ổn định so với tháng Bảy và tăng 1,89% so với tháng 12 đồng thời tăng 3,45% so với cùng kỳ năm trước. Trên cơ sở đó, CPI bình quân tám tháng tăng 4,04% so với cùng kỳ năm trước và lạm phát cơ bản tăng 2,71%.
Cụ thể, chỉ số CPI tháng Tám tại khu vực thành thị tăng 0,02% và khu vực nông thôn giảm 0,03%; 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tăng nhẹ, riêng nhóm giao thông giảm giá so với tháng trước.
Trên thị trường, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng Tám tăng 0,27% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm. Trong đó, chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 0,28%, tác động tăng 0,06 điểm phần trăm, nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,26%, tác động tăng 0,02 điểm phần trăm; nhóm lương thực tăng 0,19%, tác động tăng 0,01 điểm phần trăm.
Nguyên nhân CPI của 8 tháng qua tăng 4,04% so với cùng kỳ năm trước được cho chủ yếu do nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng giá khi giá gạo tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Lễ, Tết cùng với giá thịt lợn cao. Bên cạnh đó, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng. Trong năm học 2023-2024 và 2024-2025, một số địa phương cũng tăng mức học phí và giá dịch vụ y tế được điều chỉnh và bảo hiểm y tế tăng theo lương cơ sở.
Ngoài ra, lạm phát cơ bản tháng Tám tăng 0,24% so với tháng trước và tăng 2,53% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, lạm phát cơ bản tám tháng tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2023 và thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (4,04%), phần nhiều là do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.