Khách sạn hạng sang chật vật trong việc lấp đầy
Nguồn cung phòng khách sạn hạng sang tại các thành phố ven biển tăng quá nhanh nên đang gặp khó khăn trong việc lấp đầy.
Theo số liệu của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, 6 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 8,8 triệu, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Du lịch nội địa tiếp tục phát triển mạnh mẽ, với 66,5 triệu lượt khách trong cùng kỳ, bao gồm 37,2 triệu lượt lưu trú qua đêm.
Khách sạn hạng sang chật vật trong việc lấp đầy.
Tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh ở châu Á, cùng với thu nhập khả dụng cao hơn là động lực chính thúc đẩy sự mở rộng của các thương hiệu khách sạn và khu nghỉ dưỡng quốc tế sang Đông Nam Á. Nỗ lực mở rộng này nhằm phục vụ thị trường du lịch và phong cách sống sang trọng.
Do đó, nhiều khách sạn ở Việt Nam đang tiến hành nhận nhượng quyền chuyển đổi hoặc nâng cấp lên thương hiệu quốc tế. Nguồn cung phòng khách sạn trung, cao cấp tăng gần 25% trong những năm gần đây. Từ năm 2020 đến tháng 6/2024, phân khúc này đã bổ sung 45.000 phòng hạng sang.
Tuy nhiên, gần đây, hãng tư vấn bất động Knight Frank đã kêu gọi các nhà phát triển dừng triển khai các dự án khách sạn và khu nghỉ dưỡng mới ở các điểm điểm ven biển của Việt Nam cho đến khi nhu cầu du lịch tăng lên, giúp lấp đầy nguồn cung phòng dư thừa hiện tại. Hãng này ước tính, mỗi năm có đến khoảng 20 triệu đêm phòng khách sạn 4 sao và 5 sao bị bỏ trống tại Việt Nam.
Nhất là nguồn cung phòng 5 sao tại các thành phố ven biển như Phú Quốc và Nha Trang tăng quá nhanh nên những điểm này đang phải chật vật để lấp đầy. Thêm vào đó, nhiều dự án khu nghỉ dưỡng mới phát triển ở những nơi thiếu cơ sở hạ tầng du lịch và các điểm tham quan hấp dẫn nên khó có thể thu hút du khách.
Việt Nam nên ưu tiên đơn giản hóa các thủ tục về đầu tư và xử lý thị thực cũng như cải thiện cảnh quan và môi trường. Những vấn đề này cần phải được giải quyết để duy trì sự trỗi dậy của Việt Nam như một điểm đến du lịch hấp dẫn và cần được ưu tiên hơn việc phát triển các khách sạn và khu nghỉ dưỡng.