Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc là động lực dẫn dắt nền kinh tế phát triển
Ngày 29/7/2024, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7/2024 với chủ đề “Xúc tiến thương mại phát triển thị trường sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo”.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc là động lực dẫn dắt nền kinh tế phát triển. (Ảnh minh họa)
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Bộ Công Thương cho biết, tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp tiếp tục cho thấy sự khởi sắc và có đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng chung của cả nền kinh tế. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khẳng định vai trò dẫn dắt với tốc độ tăng 8,67%, đóng góp 2,14 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2023
Về xuất khẩu, trị giá xuất khẩu của một số mặt hàng thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II đạt cao hơn so với quý I/2024. Nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu ước đạt 160,3 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023 và tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu (84,3%) trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu.
Cụ thể, nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo đã thực hiện tốt đa dạng hóa thị trường. Trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường lớn sụt giảm; kim ngạch xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng; mức suy giảm xuất khẩu tại một số thị trường chủ lực tiếp tục được thu hẹp.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh những thuận lợi, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Một trong những thách thức đối với phát triển sản xuất và thương mại 6 tháng cuối năm như từ căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng, sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm. Rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu, giá cước vận tải tăng cao tác động trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu và nền kinh tế có độ mở lớn của Việt Nam.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn (EU, Mỹ) tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh... Các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục gặp khó trong việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường do chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí tuân thủ cao (đặc biệt với các quy định, tiêu chuẩn mới).
Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7/2024 với chủ đề “Xúc tiến thương mại phát triển thị trường sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo”. Ảnh Hương Lan
Đánh giá cao hoạt động hỗ trợ và thúc đẩy xuất khẩu nhóm ngành công nghiệp trong thời gian qua, tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển thị trường, nâng cao năng lực xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đề nghị các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Tăng cường phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để kịp thời nắm bắt, cập nhật kịp thời các thông tin về về giá cả thị trường và các quy định, chính sách mới của các nước sở tại. Chủ động nắm bắt tình hình, diễn biến liên quan đến các rào cản kỹ thuật, các yêu cầu của thị trường, kịp thời định hướng cho doanh nghiệp đầu tư trong sản xuất và xuất khẩu.
Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ và hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân đẩy mạnh sản xuất theo hướng bền vững, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng kênh phân phối và chú trọng công tác bảo hộ nhãn hiệu, nâng cao sức cạnh tranh, đảm bảo đáp ứng yêu cầu và quy định ngày càng khắt khe của các thị trường xuất khẩu.
Về phía Cục Công nghiệp tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương triển khai các sự kiện xúc tiến xuất khẩu theo định hướng chiến lược về nhóm thị trường trọng điểm của mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo. Tổ chức, tham gia các sự kiện thương mại quốc tế quy mô lớn, hội chợ triển lãm uy tín tại những thị trường trọng điểm, thị trường giàu tiềm năng.
Đối với Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, tiếp tục tăng cường theo dõi và thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến diễn biến thị trường, thông tin thị trường, chính sách thương mại, tiêu chuẩn điều kiện xuất khẩu và chính sách đối với từng mặt hàng chủ lực. Chủ động nắm bắt tình hình thông tin về các quy định, rào cản thương mại tại các thị trường sở tại, phối hợp với các đơn vị liên quan theo thẩm quyền và kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo Bộ để có định hướng và chỉ đạo kịp thời hỗ trợ địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.
Ngoài ra, tập trung các giải pháp trọng tâm triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đặc biệt trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo chủ lực như dệt may, da giày và các ngành nền tảng như ôtô, cơ khí, thép… Thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tăng năng lực phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.