Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã vượt 400 tỷ USD
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến 15/7, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 403 tỷ USD; tăng 56,7 tỷ USD so với cùng kỳ 2023.
Bức tranh xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt được nhiều điểm sáng tích cực từ đầu năm đến nay. (Ảnh minh hoạ)
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 7 (1-15/7), tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 16,26 tỷ USD. Trong đó có 4 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; hàng dệt may.
Với kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 7 đã góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến 15/7 lên con số 207,25 tỷ USD, tăng 15,19% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm 27,33 tỷ USD).
Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 16,43 tỷ USD. 2 nhóm hàng nhập khẩu "tỷ đô" kỳ này là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.
Lũy kế từ đầu năm đến 15/7, tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 195,37 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng 29,37 tỷ USD). Như vậy, từ đầu năm đến 15/7, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 403 tỷ USD, tăng 56,7 tỷ USD so với cùng kỳ 2023.
Tính chung lại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 403 tỷ USD; tăng 56,7 tỷ USD so với cùng kỳ 2023. Sau 7 tháng, Việt Nam vẫn xuất siêu 11,88 tỷ USD.
Từ những kết quả trên cho thấy kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá đang có nhiều dấu hiệu tăng trưởng tốt. Chưa kể, kinh tế, thương mại toàn cầu đang trên đà hồi phục và tăng trưởng tốt hơn vào năm 2025. Theo WTO (tháng 04/2024), khối lượng thương mại hàng hóa thế giới tăng trưởng 2,6% năm 2024 và 3,3% năm 2025. Xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong nửa cuối năm 2024 (nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý III/2024). Giá nhóm hàng lương thực có thể tiếp tục tăng và giữ ở mức cao, thuận lợi cho xuất khẩu nông sản.
Song song với đó, nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất được đẩy mạnh trong những tháng gần đây cho thấy hoạt động xuất khẩu hàng hóa thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao.
Các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vẫn là Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU. Bên cạnh đó vẫn ghi nhận nhiều điểm sáng tích cực từ các thị trường khác như ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Ấn Độ, Canada, Australia…
Nhiều kỳ vọng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ lập kỷ lục mới, chạm mốc 800 tỷ USD khi năm 2024 kết thúc. (Ảnh minh hoạ)
Mặc dù vậy, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024, đặc biệt xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ vẫn phải đối mặt với những thách thức, khó khăn.
Theo đó, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới với nhiều rủi ro và thách thức khó đoán định. Tăng trưởng kinh tế thế giới và các nước khu vực châu Âu – châu Mỹ trong năm 2024 được dự báo thấp hơn so với năm 2023. Ngoài ra các vấn đề xung đột địa chính trị tiếp tục kéo dài và bất ổn tiếp tục có nguy cơ lan ra các khu vực khác. Xu hướng phi toàn cầu hoá đang tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ. Chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng.
Bên cạnh đó, các nước phát triển quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng đang tiếp tục là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu. Việc các nước đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc, tập trung vào một số đối tác gần thị trường và đối tác tương đương với Việt Nam như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh… sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Theo nhiều chuyên gia, dù kết quả trong nửa đầu năm 2024 tăng trưởng khả quan, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn thách thức như lãi suất còn cao, lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với lãi suất huy động; các thị trường xuất khẩu phục hồi nhưng chưa bền vững.
Nhằm đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hoá từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương xác định: Theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới. Đồng thời, tiếp tục kịp thời thông tin với các hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Ngoài ra, chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng nỗ lực khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đẩy nhanh đàm phán, ký kết các FTA, liên kết kinh tế mới để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu; phát triển dịch vụ logistics; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu.