Nâng cao hiệu quả kinh tế cho hoa sen Việt Nam

Hương Lan 13/07/2024 07:00

Theo các chuyên gia, quy hoạch và phát triển vùng sản xuất sen tập trung, nâng cao chất lượng, tăng sản phẩm chế biến và nâng cao các giá trị văn hóa, du lịch từ sen là những giải pháp để thúc đẩy sự phát triển ngành hàng này một cách toàn diện.

hoi-thao-bao-ton-hoa-sen

Hội thảo bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam.

Cây hoa sen (tên khoa học Nelumbo nucifera) đã từ lâu, rất gần gũi và thân thiết với người dân Việt Nam, ngoài giá trị về thẩm mỹ (sử dụng hoa cắt cành, làm cảnh quan) cây hoa sen còn được dùng làm thực phẩm, làm hương liệu, làm dược liệu, làm nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp, thủ công mỹ nghệ và đặc biệt sen còn phục vụ phát triển du lịch.

Hiện nay, hoa sen được trồng nhiều ở hầu khắp các vùng, miền trên cả nước. Tuy nhiên, theo từng vùng rõ rệt cũng có 3 loại giống sen, rất đặc trưng cho mỗi vùng miền đó là: miền Nam có sen Hồng Đồng Tháp; miền Trung có sen trắng Huế; miền Bắc có sen Bách diệp Tây Hồ.

Cây hoa sen không chỉ được khai thác sản phẩm từ hoa để cắm, trang trí mà hạt sen tươi, củ sen, hạt sen khô được sử dụng làm nguyên liệu để nấu ăn hay chế biến thành các sản phẩm ăn liền rất ngon và tốt cho sức khỏe; trà tâm sen, trà ướp hoa sen, trà lá sen... là những đặc sản gắn liền với thói quen thưởng thức trà của người dân Việt Nam. Bên cạnh đó các nghệ nhân làng nghề còn sử dụng cây hoa sen làm nguyên liệu để tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lá sen như túi lá sen, nón lá sen... được du khách nước ngoài rất yêu thích khi tới du lịch nước ta. Rất nhiều sản phẩm từ sen đã được công nhận là mặt hàng OCOP tiêu biểu.

Đặc biệt, sản phẩm lụa tơ sen “độc nhất, vô nhị” ở Việt Nam do nghệ nhân Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) sản xuất. “Khăn lụa tơ sen” của nghệ nhân Phan Thị Thuận là sản phẩm tiềm năng 5 sao và được Văn phòng Chính phủ sử dụng làm quà tặng nguyên thủ các quốc gia.

Dù mang lại nhiều giá trị từ văn hóa tới kinh tế, tuy nhiên trong thời gian qua, do nhiều lý do, diện tích trồng sen ngày càng bị mai một.

dam-sen-ha-noi

Sen bách diệp Tây Hồ đang được bảo tồn và phát triển. (Ảnh minh họa)

Để bảo tồn và phát triển hoa sen, tại Hội thảo bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam diễn ra vào chiều 12/7, PGS.TS Đặng Văn Đông - Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ NN&PTNT) cho rằng: “Cần xây dựng trung tâm bảo tồn, lưu giữ các giống sen (đặc biệt các giống sen quý hiếm như sen Bách Diệp Hồ Tây, sen Mặt Bằng, sen Bát xanh, sen trắng Huế, sen Hồng Đồng Tháp..) quy mô 3-5 ha, để gìn giữ, phát triển được các giống sen bản địa, đồng thời cũng là nguồn quỹ gen, nguồn vật liệu để chọn tạo giống hoa sen mới, có năng xuất, chất lượng cao, phục vụ sản xuất. 

Lai tạo được bộ giống sen mới, thích hợp với điều kiện sinh thái của địa phương để bổ sung vào cơ cấu các giống hoa hiện có. Xây dựng cơ sở chuyên ươm tạo, nhân giống sen, để cung cấp cây giống sen chất lượng cao, không bị sâu bệnh hại, đáp ứng 50 - 70% nhu cầu sản xuất. 

Nghiên cứu hoàn thiện các quy trình kỹ thuật trồng, canh tác sen áp dụng nhiều các kỹ thuật tiên tiến vào thực tế sản xuất.  Đặc biệt là các quy trình sản xuất sen hữu cơ, sản xuất sen theo hướng tuần hoàn, hoặc sản xuất sen ứng dụng IoT nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, và hiệu quả sản xuất hoa sen” - PGS.TS Đặng Văn Đông cho hay.

Còn theo đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Tháp, để tiếp tục phát triển ngành hàng Sen Đồng Tháp nói riêng và Hoa Sen Việt Nam nói chung, cần rà soát quy hoạch và phát triển vùng sản xuất sen tập trung, đủ điều kiện an toàn, quy mô lớn nhằm đáp ứng nguyên liệu phục vụ cho chế biến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, du lịch,...;

Để việc trồng sen phát triển và ổn định cần có bảo tồn giống, nghiên cứu giống trồng sen, quy hoạch vùng trồng và phát triển các kỹ thuật cho việc trồng và khai thác các sản phẩm khác nhau (chuẩn hóa đa dạng hóa giống sen đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ như sen lấy củ, lấy thân, lấy lá, lấy gương). Tăng cường tạo các sản phẩm thứ cấp từ cây sen để nâng giá trị hàng hóa của cây sen.

Đồng thời, tăng cường liên kết sản xuất kết hợp khai thác du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Kết hợp khai thác phát triển du lịch nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội; các đơn vị lữ hành du lịch cần hỗ trợ, hướng dẫn các hộ gia đình, người dân phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới gắn với sen sao cho phù hợp với mọi đối tượng khách trong nước và quốc tế.

tra-uop-sen

Uớp trà tại gia đình ông Ngô Văn Xiêm và bà Lưu Thị Hiền - chủ cơ sở Trà sen Hiền Xiêm, phường Quảng An, quận Tây Hồ. Ảnh: Trà sen Hiền Xiêm

Gắn bó với nghề ướp trà sen mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, hiện thương hiệu “Chè sen Quảng An - tinh hoa chè Việt” của Nghệ nhân Lưu Thị Hiền - Trà sen Hiền Xiêm đã được công nhận từ năm 2013 và tiếp tục được phát triển với thương hiệu trà sen Hiền Xiêm là đại diện duy nhất đạt chứng nhận OCOP 4 sao.

Ngoài sản phẩm ướp sen truyền thống, Nghệ nhân Lưu Thị Hiền còn ướp chè bông. Trước đây chè bông phải bảo quản trong ngăn đá và hiện nay đã sấy thăng hoa mang đi khắp nơi được nhiều người thưởng thức.

Trong thời gian tới, để tiếp tục gìn giữ và phát triển làng nghề, Nghệ nhân Lưu Thị Hiền mong muốn các cấp lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện để chúng tôi - những người dân trực tiếp làm nghề truyền thống tại địa phương tiếp tục được tham gia trồng sen Bách Diệp tại tất cả các hồ nhỏ xung quanh Hồ Tây, tiếp tục được quan tâm hỗ trợ về giống cây, kỹ thuật và được phổ biến những kinh nghiệm, những công nghệ mới tiên tiến trong việc chăm sóc cây sen - nguồn nguyên liệu chính để sản xuất trà sen; Đồng thời tạo điều kiện để gia đình tôi có thể là địa điểm giới thiệu quảng bá sản phẩm trà sen Tây Hồ để giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của địa phương.

Hương Lan