Cần lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt tránh gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp
Năm 2023 ghi nhận sự tụt dốc doanh số của các công ty sản xuất, phân phối mặt hàng đồ uống có cồn, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh rượu bia. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt cần cân nhắc kỹ lưỡng lợi - hại, tác động bởi sẽ gây quá sức chịu đựng của doanh nghiệp trong ngành.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI phát biểu tại Hội thảo Góp ý hoàn thiện dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo với nhiều sửa đổi quan trọng, trong đó có những mặt hàng được bổ sung vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, một số mặt hàng được điều chỉnh thuế suất với lộ trình cụ thể, thay đổi phương pháp tính thuế, một số quy định được điều chỉnh để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Những sửa đổi này sẽ có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của luật và người tiêu dùng.
Đánh giá về vấn đề này, tại Hội thảo Góp ý hoàn thiện dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI, bày tỏ rằng có lẽ dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) là một trong những dự thảo ít chữ nhất nhưng lại ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp, ngành hàng.
Bên cạnh đó, việc soạn thảo, hoàn thiện dự luật thuế ngày càng khó khăn và vấp phải nhiều ý kiến trái chiều khi Bộ Tài chính dự kiến đưa thêm mặt hàng chịu thuế vào dự thảo, hay tăng thuế suất. Ban soạn thảo hiện chịu sức ép lớn, quá trình thảo luận dài, do đó, cần lắng nghe ý kiến nhiều chiều để chọn phương thức tối ưu nhất. Lần này, Chính phủ và Bộ Tài chính nỗ lực trình dự thảo tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 8 tới đây vào tháng 10/2024. Sau khi thảo luận qua hai kỳ họp, dự kiến Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1 2026.
Theo bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), dự thảo về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn có những điều khoản quy định chưa thực sự phù hợp. Đặc biệt, đối với đồ uống có cồn, đại diện của VBA cho biết, năm 2023 ghi nhận sự tụt dốc doanh số của các công ty sản xuất, phân phối mặt hàng đồ uống có cồn, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh rượu bia. Nên việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt vào thời điểm hiện nay sẽ tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp đồ uống, khó có thể phục hồi.
Đồng thời, các thông tin về cơ sở của đề xuất tăng thuế và đánh giá tác động mới chỉ tập trung vào một mục tiêu là tăng giá bán rượu bia lên 10% hoặc 20% và tăng đều các năm, mà không có đánh giá tác động toàn diện như giảm tiêu dùng, mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tác động tới ngân sách, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp.
Năm 2023 ghi nhận sự tụt dốc doanh số của các công ty sản xuất, phân phối, kinh doanh đồ uống có cồn. Ảnh minh họa
Từ đó, đại diện VBA đề nghị thời điểm có hiệu lực của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) từ năm 2027 (thay vì 2025 như dự kiến). VBA cũng đề xuất Ban soạn thảo xem xét giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng một cách hợp lý để tránh gây “sốc”, ổn định thị trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp thích nghi.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia về thuế, Ủy viên Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, cho rằng, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát không giúp đạt mục tiêu tăng ngân sách quốc gia, mà ngược lại gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành nước giải khát, các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan.
Theo ông Phụng, các doanh nghiệp hiện đang phải gánh chịu cùng lúc rất nhiều loại thuế và chi phí, như thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, phí tái chế, xử lý chất thải, các loại chi phí để thực hiện các trách nhiệm kiểm kê khí nhà kính, phí đối với khí thải, phí nước thải (đang chuẩn bị bổ sung). Do đó, chuyên gia này khuyến nghị, các cơ quan cần cân nhắc về lộ trình áp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, tránh tạo ra những rủi ro khiến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực.
Còn theo PGS, TS Ngô Trí Long - Chuyên gia Kinh tế: Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt rượu bia cần xem xét ở nhiều khía cạnh như : Đánh giá kỹ lưỡng hành vi người tiêu dùng, tác động đến số thu ngân sách, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cần có bằng chứng rõ ràng, căn cứ cụ thể; Đánh giá những tác động vị trí và những đóng góp đáng kể của ngành rượu bia cho xã hội và nền kinh tế nói chung, đối tượng chịu tác động trực tiếp, tác động gián tiếp, môi trường đầu tư, lao động, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, bên cạnh mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, …
Do vậy, khi xây dựng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu, bia, PGS, TS Ngô trí Long đề nghị Bộ Tài chính cần xem xét thấu đáo giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng một cách hợp lý để tránh gây “sốc”, ổn định thị trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp thích nghi với việc tăng thuế trong trong thời gian tới.