Việt Nam đứng đầu thế giới về tốc độ tăng số triệu phú USD
Tính đến cuối năm 2023, Việt Nam có 19.400 triệu phú USD. Tốc độ tăng triệu phú USD của Việt Nam nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2013-2023.
Tốc độ tăng số triệu phú USD của Việt Nam tăng 98% trong giai đoạn 2013-2023, đứng đầu thế giới. (Ảnhh minh hoạ)
Theo số liệu vừa được cập nhập trong Báo cáo Thống kê số lượng người có giá trị tài sản ròng từ 1 triệu USD trở lên trong giai đoạn 2013-2023 của Công ty New World Wealth (Nam Phi) và hãng cố vấn di cư đầu tư Henley & Partners (Thụy Sĩ) cho biết, tính đến cuối năm 2023, Việt Nam có 19.400 triệu phú USD. Trong đó, số người có tài sản hơn 100 triệu USD chỉ khoảng 58, còn số tỷ phú chỉ đạt 6 đại diện. Tốc độ tăng triệu phú USD của Việt Nam nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2013-2023.
New World Wealth được biết là công ty báo cáo tài sản toàn cầu có trụ sở tại Nam Phi, chuyên theo dõi sự thay đổi và thói quen chi tiêu của những người giàu nhất thế giới trong một thập kỷ qua. Nghiên cứu của họ thực hiện trên 90 quốc gia và 150 thành phố trên thế giới, đặc biệt tập trung vào châu Á, Phi. Họ lấy dữ liệu từ bộ phận nghiên cứu nội bộ, thường tập trung vào những nhà sáng lập công ty và cá nhân giữ các vị trí chủ tịch, CEO, giám đốc và quản lý. Công ty này bắt đầu phát hành báo cáo định kỳ mỗi năm từ 2022 gồm nhiều chủ đề như triệu phú, bất động sản, tiền số, sự di cư của người giàu...
Báo cáo này chỉ ra, phần lớn triệu phú trên toàn cầu vẫn tập trung ở những cường quốc kinh tế như Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, Ấn Độ… lại ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh.
Cụ thể, tốc độ tăng số triệu phú USD của Việt Nam tăng 98% trong giai đoạn 2013-2023, đứng đầu thế giới. Xếp sau là Trung Quốc với tốc độ tăng 92%, Mauritius với 87%, Ấn Độ 85%, UAE 77%, Singapore 64%, Mỹ 62%, Hàn Quốc 28%,...
Con số 98% được cho là đã phản ánh rõ ràng nhất sự phát triển kinh tế vượt trội của Việt Nam, bất chấp suy thoái thế giới. Với Việt Nam, New World Wealth và Henley & Partners cho rằng sự tăng trưởng nhanh chóng triệu phú ở Việt Nam phản ánh thành công kinh tế gần đây và cho thấy xu hướng tích lũy của cải tiếp tục gia tăng.
6 doanh nhân Việt lọt vào danh sách tỷ phú USD thế giới. (Ảnh minh họa)
Không chỉ có tốc độ tăng số triệu phú USD nhanh nhất thế giới trong thập kỷ qua, trong báo cáo được đưa ra vào hồi cuối tháng 2 vừa qua, đã dự báo Việt Nam sẽ chứng kiến tốc độ tăng 125%, mức tăng cao nhất thế giới xét về GDP bình quân đầu người và số lượng triệu phú trong thập kỷ tới. Điều này cũng đồng nghĩa Việt Nam sẽ có khoảng 43.650 triệu phú USD vào năm 2034.
Đánh giá về vấn đề này, ông Andrew Amoils - Chuyên gia phân tích của New World Wealth chia sẻ: “ Vị thế là cơ sở sản xuất cho các công ty công nghệ, ô tô, điện tử, quần áo và dệt may đa quốc gia của Việt Nam đang ngày càng tăng cao. Với hơn 19.000 triệu phú, Việt Nam được coi là một quốc gia tương đối an toàn so với các quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, điều này mang lại cho các công ty thêm động lực để thiết lập các hoạt động sản xuất tại nước này.”
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, GDP bình quân đầu người của Việt Nam 10 năm trước là khoảng 2.190 USD, nhưng nay đã tăng gần gấp đôi lên 4.100 USD. GDP bình quân đầu người tăng phản ánh tính năng động của nền kinh tế.
Về tốc độ gia tăng triệu phú, tại các quốc gia khác như Trung Quốc, trong 10 năm qua đã tạo ra hàng trăm nghìn triệu phú mới. Trung Quốc hiện sở hữu tổng cộng gần 1 triệu triệu phú, trở thành quốc gia thứ hai tiếp cận cột mốc này sau Mỹ với 5,4 triệu triệu phú. Còn tại Đức có 806.100 triệu phú. Nhật có 754.800 triệu phú. Anh có 602.500 triệu phú…
Tuy nhiên, tại một số nước khác như Anh, Nigeria và Nam Phi…lại ghi nhận số lượng triệu phú USD giảm trong thập kỷ qua.
Theo đó, Vương quốc Anh trải qua suy giảm nhẹ về số triệu phú trong thập kỷ qua. Các yếu tố như Brexit và những bất ổn kinh tế khác đã góp phần vào biến động này, làm nổi bật những thách thức mà các nền kinh tế phát triển phải đối mặt.
Còn tại các nước Nigeria và Nam Phi số lượng triệu phú của họ giảm đi, một phần do di cư và bất ổn kinh tế. Cuộc đấu tranh của Nigeria với sự mất giá tiền tệ đã ảnh hưởng thêm đến tầng lớp giàu có, trong khi Nam Phi ghi nhận sự sụt giảm đáng kể 20% số lượng triệu phú.