Phát triển nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động hiện đại

Hoài An 10/07/2024 14:56

Dù dân số đang ở trong độ tuối có khả năng lao động (độ tuổi từ 15 đến 64) chiếm tỷ lệ cao, tuy nhiên thị trường lao động còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi chất lượng lao động vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.

Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với quy mô dân số trong độ tuổi lao động dồi dào và tăng hàng năm. (Ảnh minh hoạ)

Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2024, thị trường lao động việc làm có một số điểm tích cực. Trong đó, phải kể đến, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II/2024 là 52,5 triệu người, tăng 148,6 nghìn người so với quý trước và tăng 217,3 nghìn người so với cùng kỳ 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt gần 52,5 triệu người, tăng 196,6 nghìn người so với cùng kỳ 2023.

Đáng chú ý, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý II/2024 là 68,6%. Lao động có việc làm quý II/2024 đạt hơn 51,4 triệu người, tăng 126,6 nghìn người, tương ứng tăng 0,25% so với quý trước và tăng 217,4 nghìn người, tương ứng tăng 0,42% so với cùng kỳ 2023.

Theo số liệu năm 2010, khi dân số khoảng 87,5 triệu dân thì lực lượng lao động trong độ tuổi từ 15 trở lên khoảng hơn 50,5 triệu người; còn năm 2023 dân số khoảng 100 triệu dân thì lực lượng lao động này là 52,4 triệu người. Như vậy, Việt Nam vẫn đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng, nghĩa là dân số có khả năng lao động (độ tuổi từ 15 đến 64) chiếm tỷ lệ cao. Nhận định của các chuyên gia dân số, thời kỳ cơ cấu này có thể kéo dài đến năm 2037.

Đặc biệt, vào quý II/2024, tỷ lệ lao động Việt Nam có bằng cấp hoặc chứng chỉ đạt mức 28,1%. Tỷ lệ này tăng 0,3 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2023. Việt Nam, giống như nhiều quốc gia khác, đang trải qua một quá trình phát triển kinh tế và công nghiệp hóa nhanh chóng.

Bên cạnh những thuận lợi, theo các chuyên gia, cũng như nhiều quốc gia khác đang trải qua quá trình phát triển kinh tế và công nghiệp hóa nhanh chóng, nhu cầu về nhân lực có trình độ cao và có kỹ năng ở Việt Nam ngày càng tăng; do đó, nhận thức về sự cần thiết của việc duy trì và phát triển kỹ năng thông qua việc học tập liên tục được doanh nghiệp, người lao động chú trọng. Tuy nhiên hiện có khoảng hơn 70% lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên. Điều này cho thấy nguồn cung lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.

Bên cạnh đó, thị trường lao động chưa có sự cải thiện nhiều về chất lượng lao động khi số lao động phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Số lao động có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản) quý II là 33,5 triệu người, chiếm 65,2% trong tổng số lao động có việc làm và tăng 271.700 người so với quý trước và tăng 210.300 người so với cùng kỳ năm trước.

Cần nâng cao chất lượng lnhân lực để đủ điều kiện nguồn cung cho thị trường lao động. (Ảnh minh hoạ)

Không chỉ thế, doanh nghiệp Việt còn đối mặt với những vấn đề nội tại như quy mô và "tuổi thọ" giảm, năng lực cạnh tranh yếu kém, và khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn và thị trường. Do vậy, tình hình thiếu việc làm quý này cao hơn quý trước. Bên cạnh đó, với bình quân khoảng 20 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lao động trong 6 tháng đầu năm cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng lên trong quý này so với quý trước.

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II.2024 khoảng 1,08 triệu người, tăng 24,2 nghìn người so với quý trước và tăng 4,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2024 là 2,29%, tăng 0,05 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,01 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,27%, không thay đổi so với cùng kỳ 2023.

Theo Tổng cục Thống kê, con số này phản ánh một thách thức lớn mà thị trường lao động Việt Nam đang phải đối mặt. Điều này không chỉ cho thấy nhu cầu cần thiết trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn cả sự cấp thiết trong việc mở rộng cơ hội đào tạo và cấp bằng chuyên môn, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế hiện đại.

Trước thực trạng trên, Tổng cục Thống kê đề xuất: Chính phủ cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới… Đồng thời, đưa ra các giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để duy trì việc làm.

Hoài An