Gia tăng kết nối thị trường để xuất khẩu giữ vững đà tăng trưởng

06/07/2024 07:00

Với những kết quả tích cực của 6 tháng đầu năm, cả năm 2024 tăng trưởng xuất khẩu sẽ vượt mục tiêu 6% mà Bộ Công thương đặt ra từ đầu năm.

xuat-khau

Gia tăng kết nối thị trường để xuất khẩu giữ vững đà tăng trưởng. (Ảnh minh họa)

Theo số liệu của Bộ Công Thương, với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng dẫn tới kim ngạch xuất khẩu liên tục phục hồi vững chắc trong nửa đầu năm 2024. Trong quý II/2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 97,2 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,6% so với quý I/2024.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 53,39 tỷ USD, tăng 20,6%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,69 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,9%

Trong 6 tháng đầu năm 2024 có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,6%).

Bên cạnh đó, ở nhiều địa phương, sự phục hồi sản xuất, xuất khẩu có chiều hướng tích cực. Ông Nguyễn Công Hân, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, các chỉ tiêu về sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại và xuất khẩu hàng hóa của thành phố Hải Phòng đều đạt tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 17,2 tỷ USD, tăng 28,87%.

Tại Đà Nẵng, bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng thông tin, Đà Nẵng đã xuất khẩu hàng hóa qua hơn 120 quốc gia, vùng lãnh thổ; có trên 500 doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu, trong đó hơn 100 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu thường xuyên. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Đà Nẵng 6 tháng đầu năm ước đạt 1,59 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 918 triệu USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ 2023, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may; thủy sản; động cơ, thiết bị điện và sản phẩm điện tử tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Đánh giá về những kết quả này, tại Hội nghị giao ban “Sơ kết hoạt động xúc tiến xuất khẩu 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2024", ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho rằng, kinh tế trong nước có những thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Tuy nhiên, với những kết quả của 6 tháng đầu năm, cả năm 2024 tăng trưởng xuất khẩu sẽ vượt mục tiêu 6% mà Bộ Công thương đặt ra từ đầu năm.

xuat-khau-xoai

Nông sản là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Để thúc đẩy xuất khẩu 6 tháng cuối năm, ông Trần Thanh Hải, cho biết: Bộ Công Thương đang đẩy nhanh tiến độ và nỗ lực để kết thúc sớm đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và UAE. Bên cạnh đó, để tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định, bộ triển khai đa đạng các hình thức cả trực tiếp và trực tuyến để giới thiệu các lợi thế, ưu đãi từ các FTA đã thực thi. Tiếp tục kịp thời thông tin với các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường.

Bên cạnh đó, thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường cần thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp cùng sản phẩm của doanh nghiệp tới hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.

Ở góc độ thị trường, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, sản phẩm hàng hoá của Việt Nam phong phú, đa dạng, một số sản phẩm Việt Nam đã tiếp cận được thị trường và khẳng định được thương hiệu, chất lượng như các mặt hàng chế biến chế tạo, thủy sản, nông sản…; các sản phẩm khác cũng bắt đầu khẳng định chất lượng và giá trị nhập khẩu vào Hàn Quốc ngày càng tăng. Để sản phẩm xuất khẩu tiêu thụ tốt tại Hàn Quốc thì sản phẩm ngoài cần chất lượng, hương vị còn cần yếu tố bổ trợ như ổn định trong sản xuất, an toàn trong chế biến lưu thông, chữ tín trong cam kết. Có các yếu tố này, doanh nghiệp sẽ thuận lợi trong đàm phán và giữ đối tác lâu dài.

Do đó, các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp cần dành thời gian nghiên cứu, phân tích thị trường Hàn Quốc để xác định rõ sản phẩm hướng tới phân khúc tiêu dùng nào, sản phẩm cần đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (hệ thống PLS) tại thị trường Hàn Quốc. 

Ngoài ra, doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam có gửi thông tin sản phẩm, nhu cầu hợp tác thương mại, đầu tư với phía Hàn Quốc một cách thường xuyên, liên tục cho Thương vụ cũng như tham dự các hội chợ, hội thảo, hội nghị online/offline do Thương vụ tổ chức để Thương vụ có cơ sở trao đổi với phía Hàn Quốc và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam một cách hiệu quả nhất.

Còn tại thị trường Trung Quốc, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc Nông Đức Lai cho biết, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có nhiều cơ hội để vào sâu thị trường tỷ dân, bởi, trong bối cảnh phí vận tải tàu biển tăng cao, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang tìm kiếm nguồn cung nhập khẩu tại các khu vực lân cận, thay thế các doanh nghiệp châu Âu. Thương mại Việt Nam - Trung Quốc tăng trưởng tốt trên 20%, tăng trưởng cao và cân bằng. Kết qủa 6 tháng đầu năm tạo đà cho xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc.

Bên cạnh đó, ông Nông Đức Lai nhấn mạnh, thị trường Trung Quốc rất rộng, thị trường rộng, mỗi địa phương là một thị trường riêng, nhu cầu lớn và yêu cầu riêng nên doanh nghiệp, địa phương nên cung cấp thông tin cụ thể để thương vụ nghiên cứu xem thị trường nào là phù hợp.