Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2024
Bắt đầu từ tháng 7 năm 2024, nhiều luật mới, chính sách mới có hiệu lực bao gồm các lĩnh vực như tài chính, an ninh,... Điều này sẽ tác động lớn đến tình hình an ninh, trật tự xã hội kinh tế, cũng như cuộc sống của người dân.
Nhiều luật mới, chính sách mới có hiệu lực từ tháng 7/2024. (Ảnh minh hoạ)
10 luật mới có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2024
Từ 1/7/2024, 10 luật mới đã được Quốc hội thông qua tại các kỳ họp trước sẽ chính thức có hiệu bao gồm: Luật Các tổ chức tín dụng 2024; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023; Luật Căn cước 2023; Luật Tài nguyên nước 2023; Luật Viễn thông 2023; Luật Giao dịch điện tử 2023; Luật Hợp tác xã 2023; Luật Phòng thủ dân sự 2023; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 và Luật Giá 2023. Đây đều là những luật có nhiều điểm mới quan trọng, tác động lớn đến tình hình an ninh, trật tự xã hội kinh tế, cũng như cuộc sống của người dân.
Trong đó, đối với Luật Căn cước 2023 chính thức đổi tên thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước. Thẻ căn cước sẽ bỏ thông tin quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng; thay vào đó sẽ có thông tin nơi đăng ký khai sinh và nơi cư trú của công dân.
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 gồm 15 chương và 210 điều. Điểm nổi bật trong Luật Các tổ chức tín dụng 2024 là quy định cấm bán bảo hiểm không bắt buộc đi kèm khoản vay. Cụ thể, khoản 5 Điều 15 Luật nghiêm cấm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Với 7 chương, 80 điều, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã quy định rõ hơn về quyền của người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, bảo vệ thông tin, quyền, lợi ích hợp pháp khi tham gia giao dịch, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp.
Luật Tài nguyên nước 2023 gồm 10 chương và 86 điều. Một trong những nguyên tắc cốt lõi của Luật là bảo đảm chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, công bằng, hợp lý trong bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; bảo đảm an ninh nguồn nước để mọi người dân được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý.
Theo Luật Giá 2023, sẽ thay đổi danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá như sau: Muối ăn và điện không còn nằm trong Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá nữa. Phân DAP và thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản là những hàng hóa được thêm mới vào danh mục bình ổn giá.
Ngoài ra có 7 Nghị định và 5 Thông tư cũng có hiệu lực từ 1/7/2024
7 Nghị định và 5 Thông tư mới. (Ảnh: Kim Quyên)
Tăng 30% lương cơ sở và 15% lương hưu
Tại nghị quyết Kỳ họp thứ 7 thông qua sáng 29/6, Quốc hội thống nhất thực hiện các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội, từ ngày 1/7.
Theo đó, Quốc hội đồng ý điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%). Quốc hội cũng đồng ý tăng 15% lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng. Người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 nếu sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng mỗi tháng thì điều chỉnh tăng 300 nghìn đồng/tháng; người có mức hưởng từ 3,2 đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn cũng tăng 35,7% từ 2,055 triệu lên 2,789 triệu đồng/tháng. Mức này giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp. Chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9%, từ 360 nghìn lên 500 nghìn đồng/tháng; lương tối thiểu vùng tăng bình quân 6% áp dụng từ ngày 1/7.
Đối với các cơ quan, đơn vị đang được áp dụng các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở Trung ương, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát toàn bộ khung khổ pháp lý để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị đang được thực hiện cho phù hợp trước ngày 31/12.
Bên cạnh đó, thực hiện bảo lưu phần chênh lệch giữa tiền lương và thu nhập tăng thêm tháng 6/2024 của cán bộ, công chức, viên chức với tiền lương từ ngày 1/7 sau khi sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù.
Liên thông đăng ký khai sinh, thường trú, thẻ bảo hiểm y tế
Từ 1/7, người dân có thể làm thủ tục đăng ký khai sinh, thường trú và thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi cùng lúc trên cổng dịch vụ công.
Nghị định số 63/2024 của Chính phủ quy định việc thực hiện liên thông điện tử 2 nhóm thủ tục hành chính nêu rõ, liên thông điện tử 22 nhóm thủ tục hành chính gồm đăng ký khai sinh, thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất.
Theo đó, người dân giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử không phải nộp bản giấy. Phương thức xử lý được chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Các thủ tục hành chính thực hiện liên thông có giá trị pháp lý như các hình thức khác và không làm tăng chi phí cho cá nhân, tổ chức.
Thông tin trong tờ khai điện tử nếu đã có trong Cơ sở dữ liệu về dân cư, hộ tịch, bảo hiểm sẽ được phần mềm dịch vụ công liên thông điền tự động. Hồ sơ, biểu mẫu điện tử của từng thủ tục cũng được phần mềm dịch vụ công liên thông tự động phân tách để chuyển cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Người dân được xuất trình giấy tờ trên VNeID khi CSGT kiểm tra
Bộ Công an ban hành Thông tư 28/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT và Thông tư số 24 quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới. Thông tư trên có hiệu lực từ 1/7.
Điểm mới của thông tư đã sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 12 về việc kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông.
Cụ thể, khi thông tin của các giấy tờ đã tích hợp, cập nhật trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng định danh quốc gia (VNeID), trong cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý thì thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát thông qua thông tin trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên VNeID, cơ sở dữ liệu.
Ngoài ra, việc kiểm tra thông tin của giấy tờ trong căn cước điện tử, ứng dụng VNeID, cơ sở dữ liệu có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ đó.