Chỉ số công khai ngân sách của Việt Nam ngày càng thay đổi tích cực

01/07/2024 10:16

Theo kết quả khảo sát OBS năm 2023 do Tổ chức Đối tác Ngân sách Quốc tế (IBP) và CDI thực hiện ở Việt Nam với chu kỳ đánh giá 2 năm 1 lần kể từ năm 2012, đã ghi nhận những thay đổi tích cực của Việt Nam trong việc tăng cường công khai, minh bạch ngân sách khi tăng 7 điểm và 11 bậc so với năm 2021.

cong-khai-ngan-sach

Khảo sát OBS 2023 ghi nhận những thay đổi tích cực của Việt Nam trong việc tăng cường công khai minh bạch ngân sách. Ảnh minh họa

Khảo sát công khai ngân sách (OBS) là khảo sát duy nhất đánh giá độc lập dựa trên bằng chứng, xếp hạng các quốc gia theo các tiêu chí về khả năng tiếp cận các thông tin ngân sách nhà nước của công chúng; cơ hội chính thức cho công chúng tham gia vào quy trình ngân sách; và vai trò giám sát của các cơ quan giám sát ngân sách như cơ quan lập pháp và cơ quan kiểm toán về ngân sách nhà nước.

Khảo sát OBS 2023 là khảo sát lần thứ 9, với 125 quốc gia tham gia thực hiện khảo sát, tăng 5 quốc gia so với kỳ khảo sát OBS 2021. Theo kết quả OBS 2023, điểm trung bình toàn cầu về minh bạch không thay đổi ở mức 45/100 điểm, điểm trung bình toàn cầu về sự tham gia tăng 1 điểm ở mức 15/100 điểm, và điểm trung bình toàn cầu về giám sát tăng 10 điểm với 45/100 điểm ở giám sát của cơ quan dân cử và 62 điểm ở giám sát của cơ quan kiểm toán nhà nước.

Trong kết quả khảo sát OBS 2023 ghi nhận những thay đổi tích cực của Việt Nam trong việc tăng cường công khai minh bạch ngân sách. Điểm xếp hạng của Việt Nam trong khảo sát OBS 2023 ở cả 3 trụ cột minh bạch, sự tham gia của công chúng và giám sát ngân sách đều tăng so với OBS 2021. 

Ở trụ cột “Minh bạch ngân sách”: Điểm nổi bật trong kết quả OBI 2023 của Việt Nam là xếp hạng mức độ minh bạch ngân sách đạt 51/100 điểm, cao hơn xếp hạng trung bình toàn cầu là 45/100 điểm, tăng 7 điểm và 11 bậc so với OBI 2021, 13 điểm và 20 bậc so với kỳ OBI 2019. Điểm xếp hạng này nâng mức xếp hạng của Việt Nam lên 52/125 quốc gia tham gia khảo sát OBS 2023. So với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, điểm xếp hạng OBI 2023 của Việt Nam cao hơn Campuchia, Malaysia, Đông Timor và Myanmar.

cong-khai-ngan-sach1

Còn tại trụ cột “Sự tham gia của công chúng”: Điểm xếp hạng của Việt Nam về sự tham gia của công chúng đạt 19/100 điểm, tăng 2 điểm so với khảo sát OBS 2021, cao hơn 4 điểm so với điểm trung bình toàn cầu. Việt Nam hiện đứng thứ 41/125 quốc gia trong kỳ khảo sát OBS 2023. Tuy nhiên, điều này cho thấy công chúng còn ÍT tham gia vào quy trình ngân sách. Điểm xếp hạng của Việt Nam về sự tham gia của công chúng trong quá trình xây dựng ngân sách là 27/100, trong phê duyệt ngân sách là 56/100, và không đạt được điểm nào trong quá trình thực hiện ngân sách và kiểm toán ngân sách. 

Trong trụ cột “Giám sát ngân sách”: Việt Nam có xếp hạng đầy đủ về giám sát với điểm xếp hạng chung là 82/100 điểm, tăng 2 điểm so với năm 2021. Trong đó, giám sát của Quốc hội đạt 78/100 điểm và giám sát của Kiểm toán nhà nước đạt 89/100 điểm, đều cao hơn so với điểm trung bình toàn cầu về giám sát của Quốc hội là 45 điểm và của Kiểm toán nhà nước là 62/100 điểm. Việt Nam hiện đứng thứ 11/125 quốc gia trong điểm xếp hạng về giám sát ngân sách.

Nhận định về kết quả chỉ số công khai ngân sách OBI 2023 của Việt Nam, TS. Ngô Minh Hương, Nghiên cứu chính về Khảo sát công khai ngân sách của Trung tâm Phát triển và Hội nhập cho biết: “Chỉ số công khai ngân sách của Việt Nam 2023 đặc biệt đạt được kết quả tích cực và Việt Nam có triển vọng cải thiện tốt hơn. Để có được những thay đổi tích cực này, Bộ Tài chính, cơ quan Quốc hội và Kiểm toán Nhà nước trong những năm qua đã có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy công khai minh bạch ngân sách tại Việt Nam. Tuy nhiên, đáng chú ý, ở trụ cột sự tham gia, mặc dù điểm của Việt Nam tăng và hiện cao hơn điểm trung bình toàn cầu nhưng vẫn ở mức tham gia “ÍT”.

Do vậy, cần có các cơ chế thúc đẩy sự tham gia của công chúng vào tất cả các giai đoạn của quy trình ngân sách, bao gồm lập, thực hiện và kiểm toán ngân sách. Ví dụ, Bộ Tài chính và các bộ ngành khác có thể thí điểm các cơ chế để công chúng tham gia vào quá trình xây dựng và giám sát việc thực hiện ngân sách. Đặc biệt, các nhóm cộng đồng yếu thế có thể trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức xã hội-nghề nghiệp đại diện góp ý trong quá trình xây dựng các ưu tiên về ngân sách. Công chúng cũng có thể tham gia góp ý cho các kế hoạch và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước” - TS. Ngô Minh Hương nhấn mạnh.