Tỷ trọng năng lượng tái tạo trong ngành điện vẫn còn hạn chế
Nhằm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương và chính sách quan trọng để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong ngành điện vẫn còn nhiều hạn chế.
Ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) phát biểu tại diễn đàn.
Chiều 27/6, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm quốc tế Công nghệ Năng lượng-Môi trường Hà Nội 2024 (ENTECH HANOI 2024), Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) chủ trì, phối hợp Sở Công thương thành phố Hà Nội, Chương trình Hỗ trợ năng lượng của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn Chuyển dịch năng lượng Việt Nam năm 2024.
Diễn đàn thu hút sự tham dự của hơn 300 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành Trung ương, các Sở Công thương, Khoa học và Công nghệ địa phương trên toàn quốc; đại diện các viện, trường, tổ chức quốc tế, tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng, khoa học công nghệ…
Đây là nơi trao đổi về chính sách và chương trình hỗ trợ, thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam trong giai đoạn tới; đồng thời cung cấp thông tin về xu hướng phát triển công nghệ mới trong ngành năng lượng trên thế giới, các khuyến nghị về nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ, đặc biệt là giải pháp công nghệ cho phát triển năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, góp phần đáp ứng tốt các cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26).
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, nhu cầu năng lượng tại Việt Nam ngày càng tăng cao, đặc biệt trong bối cảnh phát triển kinh tế mạnh mẽ và hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, nhu cầu điện năng sẽ tăng từ 8-10% trong những năm tới. Cùng với đó là vấn đề về nguồn năng lượng hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt đang dần cạn kiệt và gây ra tác động xấu tới môi trường. Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc bảo đảm nguồn cung năng lượng ổn định và bền vững, đồng thời làm tăng áp lực phải tìm kiếm các giải pháp năng lượng thay thế. Do đó, chuyển dịch năng lượng không chỉ là nhiệm vụ quan trọng mà còn là yếu tố then chốt để bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Các chuyên gia thảo luận về thực trạng chuyển dịch năng lượng tại diễn đàn “Chuyển dịch năng lượng Việt Nam năm 2024”.
Theo đại diện Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ), dự báo của các nhà quan sát năng lượng hàng đầu cho biết, ngành Điện sẽ dựa vào nguồn điện tái tạo, sự phát triển năng lượng tái tạo dự kiến sẽ được phân bổ phần lớn cho năng lượng gió và năng lượng Mặt trời.
Để hướng tới không gây ô nhiễm carbon trong thời gian ngắn và không phát thải khí nhà kính vào giữa thế kỷ này, năng lượng gió phải tăng cường đóng góp vào sản xuất điện từ mức thâm nhập toàn cầu 5% hiện nay lên khoảng 35%-50% hoặc hơn nữa trong nhu cầu điện tương lai của hệ thống năng lượng toàn cầu. Tuy nhiên, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong ngành điện vẫn còn hạn chế do các rào cản như chính sách, tài chính, năng lực chuyên môn, khả năng nối lưới và tính ổn định của hệ thống truyền tải điện, chi phí đầu tư cao và công nghệ còn chậm được nâng cao.
Trước những tồn tại, hạn chế nêu trên, tại 2 phiên thảo luận với các chủ đề: “Chuyển dịch năng lượng trên thế giới và hiện trạng tại Việt Nam”, “Doanh nghiệp Việt Nam và chuyển dịch năng lượng” trong khuôn khổ diễn đàn, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và đại diện doanh nghiệp dự Diễn đàn đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ về hiện trạng và định hướng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu và những kinh nghiệm trên thế giới.
Đồng thời, để giải quyết các vấn đề trên, tại diễn đàn, các diễn giả đều nhấn mạnh, trong định hướng phát triển khoa học và công nghệ cho chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo và bền vững hơn.
Bên cạnh đó, chính sách phát triển khoa học và công nghệ cho chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam cần một chiến lược toàn diện, bao gồm hỗ trợ tài chính, ưu đãi thuế, phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, và nâng cao nhận thức cộng đồng. Sự cam kết mạnh mẽ từ chính phủ, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, và hợp tác quốc tế là chìa khóa để đạt được mục tiêu chuyển dịch năng lượng bền vững và hiệu quả.