Ấn Độ là thị trường xuất khẩu cao su lớn thứ hai của Việt Nam
Nhờ nguồn cung thế giới sụt giảm, xuất khẩu cao su Việt Nam tăng trong 5 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng nhanh tại các thị trường lớn, đáng chú ý, Ấn Độ đã trở thành thị trường xuất khẩu cao su lớn thứ hai của Việt Nam.
Thị trường xuất khẩu cao su lớn thứ hai của Việt Nam là Ấn Độ. (Ảnh minh hoạ)
Ngành cao su của Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng ở một số thị trường lớn nhờ nguồn cung thế giới sụt giảm. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2024, mức xuất khẩu cao su của Việt Nam là 568 ngàn tấn cao su, đạt doanh thu 854 triệu USD (Số lượng giảm 3,1%, giá trị lại tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước). Kim ngạch xuất khẩu cao su tiếp tục có sự tăng trưởng tích cực với mức tăng 5,4%.
Về thị trường, Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực xuất khẩu cao su của Việt Nam. Thị phần trong tổng nhập khẩu cao su từ Việt Nam của Trung Quốc nửa đầu năm 2024 tăng từ 21,2% của năm 2023 lên 22,3%. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các loại cao su tự nhiên và cao su tổng hợp. Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) chiếm 55,55% tổng lượng xuất khẩu, với 99,5% tổng lượng được xuất sang Trung Quốc.
Đáng chú ý, thị trường xuất khẩu cao su lớn thứ hai của Việt Nam là Ấn Độ. Trong 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ chủ yếu là cao su tự nhiên. Trong đó, chủng loại SVR 10 được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 61,81% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Ấn Độ với 29,19 nghìn tấn, trị giá 45,54 triệu USD, tăng 64,2% về lượng và tăng 87% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Tiếp đến là chủng loại SVR 3L chiếm 24,85% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Ấn Độ với 11,73 nghìn tấn, trị giá 19,6 triệu USD, tăng mạnh 99,9% về lượng và tăng 121,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Và RSS3 chiếm 5,29% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Ấn Độ với 2,5 nghìn tấn, trị giá 4,4 triệu USD, giảm 30,5% về lượng và giảm 21,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài ra, trong 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu một số chủng loại cao su sang Ấn Độ cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023 như: SVR CV60, cao su hỗn hợp (HS: 4005), cao su tổng hợp, SVR 5… Tuy nhiên, các chủng loại này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng cao su xuất khẩu sang Ấn Độ.
Giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su sang Ấn Độ trong 5 tháng đầu năm 2024 phần lớn đều tăng so với cùng kỳ năm 2023, trong đó tăng mạnh nhất là: Latex tăng 28,3%; SVR 10 tăng 13,9%; RSS3 tăng 13,4%; SVR 3L tăng 10,6%; SVR CV60 tăng 9,4%…
Theo các chuyên gia, sự gia tăng liên tục trong doanh thu xuất khẩu cao su của Việt Nam chủ yếu bởi mức giá xuất khẩu bình quân luôn ở mức cao trong thời gian vừa qua. Vào tháng 5/2024, giá xuất khẩu bình quân của cao su đã đạt 1.616 USD/tấn, tăng 1,2% so với tháng 4 năm 2024 và tăng 19,6% so với tháng 5 năm 2023.
Ông Võ Hoàng An - Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), cho biết hiện Việt Nam có quy mô sản lượng mủ cao su đạt 1.300.000 tấn/năm từ 910.000 ha diện tích trồng cây. Tuy nhiên, chỉ 70 – 75% trong số này là các cây cao su trưởng thành sẵn sàng khai thác.
Hơn 300.000 tấn/năm được sử dụng trong sản xuất chế biến là đòn bẩy cho sự trở lại mạnh mẽ của cao su tại Việt Nam. Việc này đã mở ra một dư địa lớn cho xuất khẩu nguyên liệu cao su. Đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu có khả năng tiếp tục gặp thiếu hụt vào các năm 2024 – 2025.
Theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại Ấn Độ, 4 tháng đầu năm 2024, Hàn Quốc, Bờ Biển Ngà, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Ấn Độ. Lượng cao su nhập khẩu của Ấn Độ từ các thị trường này đều tăng khá với cùng kỳ năm 2023.