Việt Nam tiếp tục lựa chọn ưu tiên cho tăng trưởng với chính sách linh hoạt
Tại phiên thảo luận với GS. Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và khoảng 20 lãnh đạo các tập đoàn lớn của WEF, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ các ưu tiên của Việt Nam cho tăng trưởng và thu hút FDI.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên thảo luận tại Trung Quốc - (Ảnh: TTXVN)
Phát biểu tại phiên thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã điểm lại một số nét lớn của tình hình thế giới hiện nay khi hậu quả đại dịch Covid-19 còn kéo dài; các yếu tố, như phân cực, căng thẳng, xung đột, cạnh tranh chiến lược, biến đổi khí hậu… ảnh hưởng tới kinh tế thế giới và các quốc gia.
Trong tình hình bối cảnh đó, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang lựa chọn ưu tiên cho tăng trưởng, đồng thời có biện pháp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Nhìn lại kết quả đã đạt được trong năm 2022, GDP Việt Nam tăng trưởng 8,02%, năm 2023 đạt 5,5% và năm 2024, quý I đạt 5,66%, quý II ước đạt cao hơn quý I và tiếp tục xu hướng tăng cao hơn trong nửa cuối năm. Theo đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Về vấn đề nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài đã thấp hơn nhiều giới hạn cho phép. Đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm mất giá ít nhất so với các nước trong khu vực.
Nhằm thể hiện quyết tâm với định hướng phát triển trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết Việt Nam tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng, với các nhóm giải pháp lớn.
Trong đó, thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhất là giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ và giữ ổn định tỷ giá phù hợp; phối hợp đồng bộ, hài hoà với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trong điểm, tiếp tục miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và đẩy mạnh đầu tư công.
Đồng thời với chính sách thương mại, Việt Nam chủ trương đa dạng hoá thị trường, sản phẩm, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, khai thác hiệu quả các FTA đã có, các thị trường truyền thống và mở rộng các thị trường mới, ủng hộ thúc đẩy tự do hóa thương mại.
Khai thác hiệu quả các FTA, mở rộng các thị trường mới, thúc đẩy tự do hóa thương mại. (Ảnh minh hoạ)
Nhấn mạnh nội dung “Việt Nam tập trung đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực.”, Thủ tướng cho biết: Về hạ tầng, Việt Nam phát triển đồng bộ cả hạ tầng cứng (giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, trong đó có các trung tâm, cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng phát triển xanh, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu) và hạ tầng mềm. Về nhân lực, với quan điểm coi con người là trung tâm, chủ thế, là mục tiêu, nguồn lực, động lực phát triển, Việt Nam chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
Một giải pháp quan trọng khác là huy động nguồn lực thông qua đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội cho tăng trưởng và phát triển.
Đáng chú ý, vấn đề làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, với các lĩnh vực ưu tiên là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức cũng được đề cập tại phiên thảo luận. Đây là các lĩnh vực đang là xu thế phát triển của thế giới. “Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam tiếp tục lựa chọn ưu tiên cho tăng trưởng và có chính sách linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam và tình hình, xu thế thế giới", Thủ tướng chia sẻ.
Liên quan tới cung ứng điện, Thủ tướng cho biết năm 2023, Việt Nam có thiếu hụt điện cục bộ tại một số thời điểm, nhưng sang năm 2024, mặc dù sản lượng điện tiêu thụ tăng tới 15%, có những ngày vượt 1 tỷ kWh/ngày, cao nhất trong lịch sử, song cung ứng điện vẫn được bảo đảm.
"Việt Nam sẽ không thiếu điện, với các giải pháp đồng bộ về nguồn điện, tải điện, phân phối, sử dụng điện và giá điện. Đơn cử như tải điện, các đường dây 500 kV trước đây phải làm trong 2 năm, thậm chí 4 năm, nhưng hiện nay chỉ mất khoảng 6 tháng", Thủ tướng khẳng định.
Cùng với đó, Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng sạch. Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung chính sách với việc chuẩn bị ban hành các nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và về cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG.
Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố môi trường hòa bình hòa bình, ổn định để phát triển, bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư, đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư để các nhà đầu tư yên tâm kinh doanh, hoạt động lâu dài, hiệu quả.