Chính phủ yêu cầu làm rõ nguyên nhân chỉ số phát triển du lịch Việt Nam bị tụt hạng
Trước vấn đề chỉ số phát triển du lịch Việt Nam bị tụt hạng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành rà soát làm rõ nguyên nhân tụt hạng, có các giải pháp phù hợp, hiệu quả nâng hạng chỉ số phát triển du lịch và thu hút khách quốc tế.
Cần có các giải pháp phù hợp, hiệu quả nâng hạng chỉ số phát triển du lịch và thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. (Ảnh minh hoạ)
Trong những năm qua, ngành du lịch không chỉ mang lại những đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của đất nước, bên cạnh đó còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, quảng bá hình ảnh và khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ quốc tế. Chính vì vậy, ngành du lịch luôn nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, mới đây tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) hồi cuối tháng 5, chỉ số Phát triển du lịch & lữ hành (TTDI) của Việt Nam xếp thứ 59, giảm 7 bậc so với năm 2022. Tổng điểm Việt Nam đạt được là 3,96 trên 7, giảm 0,14% so với tổng điểm 4,1 của lần xếp hạng trước đó.
Bên cạnh đó, nhiều nước ở Đông Nam Á đều tụt hạng, không riêng Việt Nam. Cụ thể: Singapore năm 2022 xếp thứ 9 trên tổng 117 quốc gia, vùng lãnh thổ còn năm nay xếp thứ 13, tụt 4 bậc. Thái Lan tụt 11 bậc, từ vị trí thứ 36 của năm 2022 xuống thứ 47 trong năm nay. Campuchia tụt nhiều nhất với 16 bậc, từ 69 xuống 85. 4 nước tăng gồm Malaysia tăng 3 bậc xếp thứ 35, Indonesia tăng 10 bậc lên vị trí 22, Philippinnes tăng 6 bậc lên thứ hạng 69 và Lào tăng 2 bậc lên 91. Các quốc gia khác trong khối ASEAN không được cập nhật.
Trong 5 nhóm lớn có 4 nhóm Việt Nam bị tụt hạng và một nhóm thăng hạng là môi trường thuận lợi, tăng một bậc từ 60 lên 59. Nhóm tụt hạng nhiều nhất là chính sách và tạo điều kiện cho du lịch hoạt động - 7 bậc, từ 57 xuống 64. Cơ sở hạ tầng và dịch vụ từ 57 xuống 62. Tài nguyên giảm từ vị trí 24 xuống 26, tính bền vững xếp thứ 116, giảm hai bậc.
Việc chỉ số Phát triển du lịch & lữ hành của Việt Nam bị tụt hàng là điều gây bất ngờ, bởi ngành du lịch trong thời gian gần đây luôn là điểm sáng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, theo WEF, các dữ liệu phần lớn đều dựa trên số liệu tổng kết cuối năm ngoái. Trong khi đó, nhiều chính sách của Việt Nam như nới lỏng visa mới bắt đầu thực hiện từ tháng 8/2023. Để có được kết quả rõ ràng về lợi ích của chính sách mang lại, Việt Nam cần có thêm thời gian vì không phải mọi chính sách đều hiệu quả ngay lập tức. Nhiều chỉ số có thể chưa phản ánh đúng năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, khiến ngành "chịu thiệt".
Trước tình hình đó, mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 4091/VPCP-TH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về nâng hạng chỉ số phát triển du lịch.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát, đánh giá làm rõ nguyên nhân chỉ số phát triển du lịch Việt Nam bị tụt hạng, có các giải pháp phù hợp, hiệu quả nâng hạng chỉ số phát triển du lịch cũng như thu hút khách du lịch quốc tế; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6/2024.