Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa thông qua hệ thống thương mại điện tử xuyên biên giới

07/06/2024 17:20

Trong 5 năm qua, hàng ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện đang xuất khẩu thông qua Amazon, với số lượng doanh nghiệp đạt doanh thu hàng năm trên 1 triệu USD tăng vọt gần gấp 10 lần.

thuong-mai-dien-tu

Hàng ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện đang xuất khẩu thông qua Amazon. Ảnh minh họa

Theo Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử (trực thuộc iDEA) cho biết tốc độ phát triển thương mại điện tử của Việt Nam cao đứng thứ 3 Châu Á với mức tăng trưởng 20-30%. Khoảng 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được đưa ra thị trường thế giới…

Đặc biệt, thời gian qua, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ đã tham gia sân chơi mới này nhiều hơn thay vì các doanh nghiệp lớn như trước đây (90% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tham gia sân chơi này). Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ ngành quan tâm nhiều hơn đến thương mại điện tử. Ngoài kế hoạch phát triển thương mại điện tử với 1 triệu doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, các đơn vị đã có nhiều chính sách thúc đẩy doanh nghiệp Việt tham gia bán hàng xuyên biên giới, đào tạo nhân lực số và phối hợp với các đơn vị khác Amazon, Alibaba… giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả bán hàng xuyên biên giới.

Còn theo thống kê của Tập đoàn Amazon Global Selling, số lượng sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam bán ra trên Amazon tăng hơn 300% trong 5 năm qua. Hàng ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện đang xuất khẩu thông qua Amazon, với số lượng doanh nghiệp đạt doanh thu hàng năm trên 1 triệu USD tăng vọt gần gấp 10 lần. Thông qua nền tảng của Amazon, hàng hóa Việt Nam có cơ hội tiếp cận trực tuyến với hơn 2 tỷ người mỗi năm ở các thị trường khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và rất nhiều quốc gia khác như Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ...

Nhằm giúp các doanh nghiệp của Việt Nam có cái nhìn rõ hơn về tiềm năng và cơ hội mà thương mại điện tử mang lại, và đồng thời nhanh chóng nắm bắt những kiến thức và kỹ năng cần thiết để đưa sản phẩm Việt Nam đến với thị trường toàn cầu qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế thông qua hệ thống thương mại điện tử xuyên biên giới” tại TP. Hồ Chí Minh.

ong-ta-hoang-linh

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội thảo. Ảnh congthuong.vn

Phát biểu tại hội thảo, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) nêu rõ về sự phát triển vượt bậc của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, trong đó, thương mại điện tử xuyên biên giới đang ngày càng bùng nổ mạnh mẽ, tăng trưởng thần tốc, và trở nên là một trong những ưu tiên hàng đầu, nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu và là xu hướng tất yếu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc.

Ông Linh cho biết thêm, không nằm ngoài xu thế toàn cầu, thương mại điện tử Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát triển mạnh mẽ và trở thành cấu phần quan trọng của nền kinh tế số Việt Nam. Doanh số thương mại điện tử bán lẻ có mức tăng trưởng từ 16-30% hàng năm trong 10 năm qua. Theo báo cáo thương mại điện tử năm 2023, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam năm 2023 tăng 25% so với năm 2022, đạt 20,5 tỷ USD. Qua đó, đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Còn tại thị trường thương mại điện tử toàn cầu được dự báo sẽ có những bước tăng trưởng mạnh mẽ với mức doanh thu dự kiến đạt 7,4 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, việc tham gia vào hệ thống xuất khẩu, nhập khẩu trực tuyến, các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới là giải pháp hữu hiệu, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng tệp khách hàng, tăng phạm vi tiếp cận thị trường,nâng cao năng lực doanh nghiệp và giá trị chất lượng hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam, đưa thương hiệu hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhiều thị trường trên thế giới.

Bên cạnh đó, để tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội mà thương mại điện tử mang lại, hiện Bộ Công thương đã chỉ đạo các tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên cập nhật xu hướng tiêu dùng, nhu cầu, tiềm năng thị trường, kinh nghiệm và hành trình triển khai xuất khẩu trực tuyến để giúp các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào TMĐT xuyên biên giới, đưa các sản phẩm và thương hiệu Việt đến khách hàng trên toàn cầu.

Về phía doanh nghiệp Việt Nam, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, cần có cái nhìn rõ hơn về tiềm năng và cơ hội mà TMĐT mang lại. Đồng thời, nhanh chóng nắm bắt những kiến thức và kỹ năng cần thiết để đưa sản phẩm Việt Nam đến với thị trường toàn cầu qua thương mại điện tử xuyên biên giới.