Doanh nghiệp sản xuất và nỗi lo thiếu nguyên liệu
Do phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp Việt đang đứng trước nguy cơ thua lỗ vì thiếu nguyên liệu cho sản xuất.
Ngành điều lao đao bởi phụ thuộc 90% vào nguyên liệu nhập khẩu. (Ảnh minh hoạ)
Mới đây, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho hay, nhận được phản ánh của các hội viên về việc không nhận được đầy đủ nguyên liệu từ đối tác là các nước Tây Phi trước tình hình giá điều thô tăng mạnh. Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu (NK) hơn 3 triệu tấn điều thô, trong đó nguồn từ châu Phi khoảng 2,2 triệu tấn (chủ yếu là Tây Phi), nguồn cung trong nước chỉ chiếm khoảng 10%. Nguyên nhân được lý giải là do bị thất thu lợi nhuận rất lớn nên nhiều DN đối tác đã không cần giữ thương hiệu, uy tín mà chỉ cần giữ lợi nhuận và họ đã “xù hàng” của DN Việt.
Bên cạnh đó, một tình trạng "lật kèo" khác cũng đang diễn ra là những đơn hàng đang hành trình trên biển để giao đến cho các DN Việt Nam bị đổi chứng từ ngay trên tàu. Thay vì giao đến cho DN Việt Nam thì họ lại bán cho đối tác khác, nên DN Việt không nhận được hàng theo hợp đồng.
Từ đó dẫn đến việc các DN Việt Nam đang bị động và không thể xoay xở kịp khi các đối tác cố ý lật kèo theo chủ ý. Bên cạnh đó, DN Việt cũng không thể mua hạt điều thô của các nước đối tác nào khác tại thời điểm này vì hiện tại hạt điều của Việt Nam đã thu hoạch xong, trong khi hạt điều của Campuchia cũng đã thu hoạch và doanh nghiệp Việt Nam đã thu mua hết.
Không chỉ đối với ngành điều, ngành da giày cũng bị phụ thuộc vào nguyên phụ liệu NK sản xuất. Mặc dù có kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng giá trị gia tăng của ngành thực tế không cao. Theo số liệu từ Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam cho hay, từ năm 2019 – 2023, riêng mặt hàng da thuộc, các DN da giày trong nước nhập khẩu từ 1,6-1,7 tỷ USD/năm, chưa kể tới những phụ liệu khác như đế giày… Trong đó, một phần lớn nguyên liệu được nhập từ Trung Quốc.
Ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam có tới 88% linh kiện điện thoại được nhập khẩu. (Ảnh minh hoạ)
Tương tự, ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam phát triển mất cân đối, chủ yếu dựa vào mảng sản xuất điện thoại chiếm tới 70%. Mặc dù có vai trò là ngành sản xuất dẫn đầu, tuy nhiên, thị phần xuất khẩu, chủ yếu xuất khẩu linh kiện điện thoại là của DN có vốn đầu tư nước ngoài, Trung Quốc và Mỹ là hai thị trường lớn. Việc NK cũng "mất cân đối hơn" khi có tới 88% linh kiện điện thoại được nhập từ thị trường Trung Quốc.
Theo ông Trương Thiệu Cường - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thiết bị hiển thị Tomko (Trung Quốc), đang đầu tư một nhà máy lắp ráp linh kiện tại Việt Nam đánh giá, chuỗi sản xuất của Việt Nam hiện nay chưa thực sự hoàn thiện. Đơn cử như việc sản xuất tai nghe ở Trung Quốc có hệ sinh thái theo chuỗi hỗ trợ từ thiết kế, nguyên vật liệu, làm khuôn và sản xuất… Thế nên từ khi có ý tưởng ban đầu đến khi ra sản phẩm rất nhanh, chớp được cơ hội thị trường, đẩy nhanh tiến độ đưa sản phẩm ra thị trường từ đó giúp giá trị của sản phẩm lớn hơn.
Trong khi đó, “Việt Nam dựa vào nhập khẩu nguyên vật liệu nhiều nên giá thành đội lên rất cao so với Trung Quốc”, ông Cường nhận định.
Vì vậy, để hoàn thiện chuỗi cung ứng ở Việt Nam, ông Trương Thiệu Cường cho rằng đây là xu thế tất yếu. Chính phủ Việt Nam nên có nhiều chính sách để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào cùng hoàn thiện chuỗi cung ứng đó. Bên cạnh đó, bồi dưỡng nhân tài để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
Theo đó, các DN đầu chuỗi vẫn mong muốn trong bối cảnh biến động địa chính trị như hiện nay, Việt Nam cần phải có chính sách hỗ trợ mạnh hơn để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ trong nước, thay vì phụ thuộc NK.
Đồng quan điểm, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng cho biết, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp vật liệu giúp tăng cường tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc nhập khẩu. Trong đó, có chiến lược và chính sách tập trung ưu đãi, hỗ trợ cho việc sản xuất các vật liệu cơ bản như thép chế tạo (phục vụ cho các ngành cơ khí); nguyên phụ liệu, vải và da thuộc cho các ngành dệt may và da giày…
Đồng thời, Cục Công nghiệp tiếp tục nỗ lực tập trung đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, nâng cao vai trò của các DN công nghiệp đầu tàu trong nước. Đồng thời, các hiệp hội, ngành hàng thúc đẩy liên kết tiêu thụ sản phẩm của nhau, ưu tiên sử dụng nguyên liệu, linh phụ kiện nội địa.