Sản xuất công nghiệp tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế

Hoài An 03/06/2024 10:56

Theo Tổng cục Thống kê, trong các chỉ số kinh tế vĩ mô của tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì xu hướng tích cực.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh minh hoạ)

Theo đó, sản xuất công nghiệp tháng 5 tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng, ước tính tăng 3,9% so với tháng trước và tăng đến 8,9% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, nếu so với cùng kỳ ngành chế biến, chế tạo tăng 10,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,4%; riêng ngành khai khoáng giảm 9,4%.

Đáng chú ý, chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm 2024 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 27,4%; sản xuất thiết bị điện tăng 24,0%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 20,1%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 19,6%; sản xuất kim loại tăng 13,2%; dệt và sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí cùng tăng 12,7%.

Về địa phương, có 55 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng và 8 địa phương giảm. Một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Cụ thể địa phương tăng cao nhất là Phú Thọ, với mức tăng 31,2%. Trong khi đó, Bắc Giang tăng 24,9%; Bình Phước tăng 14,8%; Hà Nam tăng 14,5%; Hải Phòng tăng 14,4%.

Mặc dù có nhiều tín hiệu tăng trưởng tích cực về ngành sản xuất công nghiệp, song trên thực tế, vẫn còn tồn tại khó khăn, thách thức rất lớn. Sản xuất công nghiệp tuy phục hồi, nhưng vẫn chậm. Mức tăng 6,8% của IIP 5 tháng đầu năm vẫn thấp, lại dựa trên nền giảm tới 2% của cùng kỳ năm trước.

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội mới đây, nhiều đại biểu cho rằng, cần quan tâm tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, gồm cả các ngành công nghiệp 4.0.

Cần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và kích cầu tiêu dùng. (Ảnh minh hoạ)

Theo đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên), để công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành “trụ đỡ” và là nền tảng, động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp và nền kinh tế, nên nghiên cứu thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách có tính đột phá, để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi và các mô hình kinh doanh mới hiệu quả, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Hay theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khi giải trình trước các đại biểu Quốc hội cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy các động lực truyền thống về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; đồng thời bổ sung các động lực mới, mô hình kinh tế mới về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, hay các ngành công nghiệp mới nổi như sản xuất chip, bán dẫn, năng lượng tái tạo… để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đối với các giải pháp ngắn hạn, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và kích cầu tiêu dùng. Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho rằng, bên cạnh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, trong bối cảnh tiêu dùng trong nước có xu hướng tăng rất chậm, cần có “cú huých mạnh” cho kích cầu tiêu dùng. Cần khẩn trương đưa ra lộ trình tiếp tục giảm thuế VAT rõ ràng và có kỳ hạn đủ dài, ít nhất là 1 năm, tránh quá ngắn và điều chỉnh liên tục như hiện nay để tăng hiệu quả kích cầu.

Bên cạnh đó, để kích cầu tiêu dùng, theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình), Chính phủ cần đặc biệt quan tâm thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng, tạo chuyển biến rõ nét sức cầu tiêu dùng, cả chi tiêu công hợp lý và tiêu dùng tư nhân.

Về tổng quan chung, tất cả các chỉ số đều cho thấy xu hướng tích cực hơn của sản xuất công nghiệp. Kỳ vọng khi khu vực này tiếp tục khởi sắc, sẽ dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế trong những quý sau của năm 2024.

Hoài An