Ưu tiên bố trí quỹ đất và vốn để phát triển nhà ở xã hội
Việt Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, cả nước sẽ xoá bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát và hoàn thành xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội. Theo đó, Ban Bí thư nhấn mạnh, ưu tiên bố trí quỹ đất và nguồn vốn cho chủ trương này.
Ban Bí thư yêu cầu ưu tiên bố trí vốn ngân sách trung ương và địa phương để đảm bảo mục tiêu phát triển nhà ở xã hội. (Ảnh minh hoạ)
Trong suốt quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác phát triển nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội.
Vừa qua tại Chỉ thị số 34 ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới, do đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư vừa thay mặt Ban Bí thư ký ban hành. Tronng đó, Ban Bí thư yêu cầu ưu tiên bố trí vốn ngân sách trung ương và địa phương để đảm bảo mục tiêu phát triển nhà ở xã hội.
Tính đến nay, trên cả nước đã hoàn thành xây dựng 195.000 căn nhà ở xã hội và có khoảng 374.000 căn nhà ở xã hội đã được chấp thuận đầu tư và khởi công, cấp phép xây dựng.
Chính sách hỗ trợ nhà ở thông qua các chương trình mục tiêu cho các đối tượng là người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực nông thôn và hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu được triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phát triển nhà ở xã hội, góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở cho người dân, Ban Bí thư yêu cầu đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của địa phương.
Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, cả nước xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát và hoàn thành xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp tại khu vực đô thị.
Chỉ thị cũng yêu cầu thực hiện tốt việc hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu, nhất là đối với người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở, hộ nghèo tại khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo tốt về nhà ở.
"Phát triển nhà ở xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", Chỉ thị của Ban bí thư nêu.
Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới mô hình quản lý và phát triển nhà ở xã hội. (Ảnh minh hoạ)
Ban Bí thư đưa ra 5 yêu cầu phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, ưu tiên bố trí vốn ngân sách trung ương và địa phương trong phát triển nhà ở xã hội.
Về cụ thể việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội; ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước từ Trung ương và địa phương tương xứng, kịp thời để bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển nhà ở xã hội; Nhà nước tập trung phát triển nhà ở xã hội cho thuê khu vực đô thị bằng nguồn vốn đầu tư công; đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Bên cạnh đó, cần rà soát, sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai hiệu quả chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội. Nghiên cứu hình thành quỹ phát triển nhà ở xã hội, hoặc mô hình định chế tài chính phù hợp để phát triển nhà ở xã hội dài hạn, bền vững; mở rộng nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội từ quỹ đầu tư phát triển địa phương và nguồn vốn từ nước ngoài; khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư, quỹ tín thác đầu tư và các hoạt động liên danh, liên kết thực hiện dự án nhà ở xã hội.
Bố trí cấp đủ nguồn vốn ngân sách cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ, cho vay phát triển nhà ở xã hội; thực hiện đầy đủ, kịp thời việc cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại được Nhà nước chỉ định để cho cá nhân và doanh nghiệp vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội; rà soát, đổi mới, tiếp tục mở rộng chương trình cho vay ưu đãi đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo chính sách về nhà ở xã hội.
Ban Bí thư cũng yêu cầu tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới mô hình quản lý và phát triển nhà ở xã hội; phân cấp phân quyền cho địa phương. Các cấp ngành nghiên cứu thiết lập cơ chế để doanh nghiệp Nhà nước chuyên đầu tư phát triển nhà ở xã hội.