NHNN dừng đấu thầu vàng và triển khai phương án bình ổn thị trường vàng mới
Dự kiến bắt đầu từ ngày 3/6/2024 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ dừng đấu thầu bán vàng miếng và sớm điều chỉnh phương án bình ổn thị trường vàng mới.
NHNN sẽ dừng đấu thầu bán vàng miếng và sớm điều chỉnh phương án bình ổn thị trường vàng mới. (Ảnh minh hoạ)
Tối ngày 27/5, NHNN thông báo, nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới, NHNN sẽ điều chỉnh phương án bình ổn thị trường vàng. Theo đó, NHNN dừng đấu thầu bán vàng miếng và sẽ triển khai phương án bình ổn thay thế trong thời gian sớm nhất, dự kiến bắt đầu từ ngày 03/6/2024.
Trước đó, tính từ lúc đấu thầu trở lại (từ ngày 22-4 đến nay) đã có 9 phiên đấu thầu vàng miếng SJC được NHNN tổ chức. Với 6 phiên đấu thầu thành công, tổng khối lượng vàng miếng SJC đã được các thành viên trúng thầu là 48.500 lượng (485 lô), tương đương hơn 1,8 tấn vàng đã được các thành viên dự thầu mua vào, từ đó cung ứng ra thị trường.
Mặc dù đã giúp tăng cung cho thị trường nhưng cho đến nay việc đấu thầu vẫn chưa có tác dụng đáng kể trong việc "hạ nhiệt" giá vàng, chưa khắc phục được tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và thế giới.
Thực tế, thời gian vừa qua, giá vàng trong nước đạt kỷ lục hơn 92 triệu đồng vào đầu tháng 5/2024 và liên tục có những diễn biến khó lường. Đến thời điểm ngày 27/5, giá vàng miếng SJC kết thúc phiên ở mức 87,90 - 89,90 triệu đồng/lượng, tăng gần 7 triệu đồng/lượng so với trước phiên đấu thầu đầu tiên (23/4) và cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 17 triệu đồng/lượng.
Theo PGS. TS. Võ Đình Trí, PGS. trường IPAG Business School Paris và giảng viên trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế còn rất lớn, nhu cầu vàng tăng đột biến tạo ra những cơn sốt và việc kiểm soát thị trường vàng phi chính thức. Ngoài ra ông cho rằng, cơ chế quản lý thị trường vàng miếng hiện nay cũng như Nghị định 24 bộc lộ một số bất cập và cần phải sửa đổi để thị trường vàng vận hành theo đúng nguyên tắc thị trường hơn.
Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định “Đấu thầu không phải là biện pháp để tăng nguồn cung. Quan trọng nhất tăng nguồn cung là cho phép ngân hàng thương mại, doanh nghiệp vàng được xuất nhập khẩu vàng, nhà nước chỉ nên kiểm soát bằng thuế. Nếu cho phép nhập khẩu vàng, ngay lập tức trong vòng 1 tuần, giá vàng trong nước và thế giới sẽ liên thông. Nhập khẩu vàng từ Singpore, Hong Kong, Thái Lan về Việt Nam rất nhanh”
Theo tính toán của Hội đồng vàng thế giới, nhu cầu vàng trong nước khoảng 50 tấn/năm, nếu nhập khẩu tốn hết khoảng 3 tỷ USD - một con số không quá lớn. Chưa kể, cho phép xuất nhập khẩu chính thức sẽ khuyến khích được xuất khẩu vàng nữ trang, giúp thị trường cân bằng được ngoại tệ.
Giá vàng thế giới tăng, kéo theo giá vàng trong nước cũng tăng, nhưng điều tồn tại từ rất lâu là sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế vẫn rất cách xa. Chính vì vậy, cần có phương thức điều hành linh hoạt để đưa giá vàng trong nước về ngang thế giới, đảm bảo bình ổn giá vàng, đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân.