Nhiều quan điểm lạc quan về kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi, với những tín hiệu khả quan từ việc tăng trưởng kinh tế, nhiều đánh giá cho rằng đây sẽ là căn cứ để củng cố niềm tin vào đầu tư, phát triển kinh tế trong năm 2024.
Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có thêm căn cứ để sớm đưa ra những quyết định đầu tư tại Việt Nam. (Ảnh minh hoạ)
Nền kinh tế Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao bởi sức chống chịu trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 và nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới. Vượt qua khó khăn, thách thức, Việt Nam vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và nhanh chóng thích ứng với kỷ nguyên chuyển đổi số mới.
Từ số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, các nhà kinh doanh nước ngoài vẫn gia tăng hợp tác với các đối tác Việt Nam. Cụ thể, số liệu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam bốn tháng đầu năm 2024 đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra các con số xuất khẩu cũng cho thấy sự tăng trưởng mạnh, tính chung quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo kinh tế vĩ mô về Việt Nam của Ngân hàng Standard Chatered đưa ra vào quý II/2024 dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt mức 6% năm 2024, dự báo này được xem là cải thiện hơn so với mức 5% của năm 2023. Ngân hàng này cũng đưa ra dự báo tăng trưởng quý II/2024 là 5,3% và quý III là 6,0% và tăng trưởng quý IV được kỳ vọng sẽ phục hồi lên mức 6,7%.
Chuyên gia kinh tế từ ngân hàng Standard Chartered cho biết, kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đà phục hồi bất chấp rủi ro. Doanh số bán lẻ vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong quý I. Đồng thời, ngân hàng dự báo lãi suất sẽ được giữ ở mức 4,5% cho đến cuối quý III và có thể tăng 50 điểm cơ bản trong quý IV trước khả năng lạm phát do thúc đẩy tăng trưởng.
Ông Tim Leelahaphan - Chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered cho biết, Việt Nam đang nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút đầu tư nước ngoài nhờ môi trường đầu tư thuận lợi và khả năng ảnh hưởng của quan hệ thương mại từ Mỹ - Trung. “Với kinh tế đang trên đà phục hồi, chúng tôi cho rằng chính sách tiền tệ sẽ ít cần hỗ trợ hơn” - ông Tim Leelahaphan nói.
Trước đó, ngay từ đầu năm 2024, một số chuyên gia tài chính cũng đã sớm có những góc nhìn lạc quan về diễn biến kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Trong đó, VinaCapital cho rằng, sự hồi phục kinh tế trên diện rộng (từ xuất khẩu, sản xuất và tiêu dùng..) sẽ thúc đẩy lợi nhuận của các công ty niêm yết, tạo điều kiện cho các nhà quản lý quỹ chủ động như VinaCapital có thể vượt trội thị trường chung.
Cụ thể, công ty này kỳ vọng lợi nhuận của các công ty tiêu dùng niêm yết hồi phục từ mức giảm 33% trong 2023 lên mức tăng 50% trong 2024 và lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết sẽ tăng từ mức 6% lên 18%.
Ông Michael Kokalari, CFA - Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường thuộc VinaCapital cho rằng, niềm tin của người tiêu dùng và nhu cầu tiêu dùng nội địa - những điểm yếu trong năm 2023 do sự cắt giảm nhân công và các vấn đề của ngành bất động sản - sẽ hồi phục.
“Chúng tôi vẫn kỳ vọng mức chi tiêu cho tiêu dùng và nhu cầu tiêu dùng nội địa sẽ mạnh hơn trong giai đoạn sau của năm nay” - ông Michael Kokalari đưa ra nhận định.
Với những tín hiệu khả quan từ tăng trưởng kinh tế, cùng với đó là những đánh giá tích cực từ giới chuyên môn quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có thêm căn cứ để sớm đưa ra những quyết định đầu tư tại Việt Nam. Nhiều dự báo cho rằng thu hút FDI vào Việt Nam sẽ “bùng nổ” trong năm 2024.