Làn sóng FDI được kỳ vọng sẽ làm mới thị trường bất động sản Việt Nam

Thu Hoài 23/05/2024 01:06

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, một quốc gia mới nổi như Việt Nam đã trở thành thị trường tiềm năng thu hút đầu tư. Đặc biệt, với nhiều lợi thế tiềm năng ở lĩnh vực bất động sản, Việt Nam được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Nguồn vốn FDI rót vào lĩnh vực bất động sản đã tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2023. (Ảnh minh hoạ)

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy đến hết ngày 20/4, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam, gồm vốn đăng ký cấp mới, đăng ký điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, đạt gần 9,27 tỉ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Riêng vốn đăng ký cấp cho 966 dự án đạt 7,11 tỉ USD, tăng gần 29% về số dự án và hơn 83% về giá trị. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đứng đầu với số vốn đăng ký gần 5 tỉ USD (chiếm tỉ trọng 70,2%).

Đáng chú ý, vốn đăng ký vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 1,6 tỉ USD. Trong khi đó, 4 tháng đầu năm ngoái, vốn ngoại muốn chảy vào hoạt động này chỉ đạt khoảng 386 triệu USD. Như vậy có thể thấy, con số này từ nguồn vốn FDI rót vào lĩnh vực bất động sản đã tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Cũng theo báo cáo này chỉ ra, giá trị vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm nay cũng ước đạt gần 6,3 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 607,6 triệu USD.

Số dự án, vốn FDI mới trong những tháng đầu năm này đến từ 75 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 2,93 tỷ USD; Hồng Kông (Trung Quốc) đứng thứ hai với hơn 1,18 tỷ USD.

Đầu tư của Singapore và Hồng Kông chủ yếu là đầu tư mới, tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc… Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới, Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn.

Cushman & Wakefield dự báo, một lượng vốn lớn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài dự kiến hoàn tất và đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024 - 2026. Các nhà đầu tư gốc Á từ Singapore, Malaysia... nhiều khả năng sẽ tiếp tục "chiếm sóng" trên thị trường

Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển thị trường bất động sản. (Ảnh minh hoạ)

Nhận định về việc thị trường bất động sản Việt Nam trong việc hút vốn FDI, nhiều chuyên gia cho biết, tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn ở một thị trường chính là yếu tố quan trọng trong các quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, một động lực rất quan trọng khác hứa hẹn sẽ mang đến "làn gió mới" cho thị trường BĐS trong thời gian tới là tác động tích cực của Luật Đất đai sửa đổi kỳ vọng sẽ có hiệu lực sớm từ ngày 01/7/2024.

Việt Nam còn có sức hấp dẫn đến từ các lợi thế như dân số, tỷ lệ đô thị hóa, tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện tại...

Những yếu tố này đã cho thấy, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Mặc dù vẫn tồn tại những thách thức, những thăng trầm của chu kỳ thương mại, nhưng về lâu dài, các nhà đầu tư vẫn rất quan tâm tất cả các lĩnh vực của thị trường bất động sản tại Việt Nam.

Theo Savills Việt Nam, với lợi thế từ các yếu tố vĩ mô và sức hút trên hầu hết các phân khúc, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn cho dòng tiền và các nhà đầu tư. Mỗi phân khúc bất động sản trong năm 2024 đều có những điểm nhấn riêng thu hút nhà đầu tư ngoại.

Những tiềm năng phát triển của ngành bất động sản Việt Nam đã và đang củng cố niềm tin của giới đầu tư và mở ra nhiều cơ hội mới. Tuy nhiên, để duy trì sức hấp dẫn, thu hút nhiều hơn dòng vốn đầu tư, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng triển khai hiệu quả các luật sửa đổi liên quan thị trường BĐS sắp có hiệu lực, cải thiện hạ tầng giao thông, logistics, nhân lực và điều chỉnh chính sách ưu đãi phù hợp…

Thu Hoài