Tăng cường truy xuất nguồn gốc để bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp
Trước tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được rao bán tràn lan làm ảnh hưởng lớn đến cơ hội phát triển của doanh nghiệp và gây tác động xấu đến niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm thì hiện nay việc tăng cường truy xuất nguồn gốc là điều vô cùng cần thiết để giúp các doanh nghiệp kiểm soát rủi ro này.
Phát hiện nhiều vụ vi phạm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. (Ảnh minh hoạ)
Hiện nay, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ thực sự đáng báo động. Trong năm 2023 và quý I/2024, chỉ riêng lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện 55.142 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước 539 tỷ đồng. Trong đó, quý I/2024, xử lý 31 vụ vi phạm về hàng giả; 1.702 vụ vi phạm về không rõ nguồn gốc xuất xứ; 1.058 vụ vi phạm về sở hữu công nghiệp.
Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc, vấn nạn hàng giả, hàng nhái không chỉ gây thiệt hại về nguồn lực, cơ hội và uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ của người tiêu dùng, đặc biệt là những sản phẩm liên quan đến sức khỏe.
Trong khi đó, doanh nghiệp mất nhiều thời gian, kinh phí nghiên cứu, đưa ra thị trường sản phẩm mới thì chỉ sau một thời gian ngắn đã bị làm giả tràn lan và sản phẩm được các đơn vị làm giả bán ra thị trường thì đến doanh nghiệp sản xuất cũng không thể cạnh tranh được.
Do vậy, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (NTD), tất cả các loại sản phẩm hàng hóa khi lưu thông trên thị trường cần thiết phải có gắn tem, mã truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là những sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khoẻ như nông sản, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm…
Việc truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp trong nước kiểm soát rủi ro phát sinh khi theo dõi, xác minh toàn bộ đường đi của hàng hóa. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp tạo sự tin tưởng nơi khách hàng, mà còn là "hàng rào" bảo vệ sản phẩm và doanh nghiệp. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, đây là công cụ hữu ích phục vụ quản lý, kiểm soát thị trường, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại.
Nhiều mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng như thuốc, thực phẩm chức năng,...(Ảnh minh hoạ)
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), trong thời đại số hóa hiện nay, việc mua sắm không chỉ đơn giản là lựa chọn sản phẩm mình cần, mà còn là sự tìm hiểu và xác thực để bảo đảm mua đúng sản phẩm chính hãng. Với công nghệ ngày càng phát triển, quét mã QR trên sản phẩm là một trong những công cụ quan trọng giúp người mua hàng có đầy đủ thông tin về sản phẩm cũng như các quyền lợi mua sắm của mình. Vì hàng giả, hàng nhái là những rủi ro khách hàng thường gặp nhất khi mua sắm, đặc biệt là mua sắm trực tuyến.
Bằng cách kiểm tra mã QR, khách hàng có thể xác thực nguồn gốc và tính xác thực của sản phẩm, tránh được những sản phẩm kém chất lượng. Đồng thời, mã QR còn giúp cơ quan nhà nước dễ dàng hơn trong công tác quản lý, chống lại vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang tràn lan trên thị trường.
Theo đó, hệ thống sẽ giúp NTD có đủ thông tin về nguồn gốc sản phẩm, doanh nghiệp, minh bạch thông tin sản phẩm và giải quyết được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, tạo cơ hội lớn cho việc ứng dụng các công nghệ số. Từ đó tạo ra sự tin cậy ở phía người dùng khi biết được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm mà mình mua.
Việc minh bạch nguồn gốc hàng hoá là điều vô cùng cần thiết, điều này sẽ góp phần củng cố thương hiệu và gia tăng giá trị của sản phẩm, tạo dựng niềm tin với khách hàng, cũng như tăng tính cạnh tranh của sản phẩm ở thị trường trong nước và quốc tế, đẩy mạnh liên kết giữa các vùng sản xuất trên cả nước với các nước trên thế giới, hình thành mạng lưới toàn cầu cho các sản phẩm của doanh nghiệp Thủ đô và doanh nghiệp trên toàn quốc.
Ngoài ra, việc tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến, xây dựng và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa là một trong những định hướng quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, ngành hàng.