Việt Nam có 4 địa phương đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đang ngày càng tăng trưởng và có những tín hiệu vô cùng tích cực. Tính đến hết tháng 4, Việt Nam có 4 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu từ 10 tỷ USD trở lên.
TPHCM, Bắc Ninh, Thái Nguyên và Bình Dương có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD. (Ảnh minh hoạ)
Theo thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến hết tháng 4, Việt Nam có 4 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu từ 10 tỷ USD trở lên. Đây là một tín hiệu tốt về phát triển kinh triển kinh tế xã hội ở nước ta.
Cụ thể 4 địa phương có kim ngạch xuất khẩu chục tỷ đô tính hết tháng 4 bao gồm: TPHCM, Bắc Ninh, Thái Nguyên và Bình Dương. So với cùng kỳ 2023, số lượng tỉnh, thành phố xuất khẩu chục tỷ đô tăng 2 địa phương là Thái Nguyên và Bình Dương.
Về quy mô kim ngạch, TPHCM vẫn duy trì là địa phương dẫn đầu cả nước về xuất khẩu với 14,78 tỷ USD, tăng 15,92% (tương đương kim ngạch tăng hơn 2 tỷ USD) so với cùng kỳ 2023.
Bắc Ninh tuy vẫn giữ vị trí thứ hai cả nước về xuất khẩu nhưng là địa phương duy nhất trong 4 tỉnh, thành xuất khẩu chục tỷ đô có kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 4 tháng qua, xuất khẩu của Bắc Ninh chỉ đạt 11,22 tỷ USD, giảm gần 700 triệu USD so với cùng kỳ 2023.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Thái Nguyên lại tăng trưởng khá mạnh, đạt 10,96 tỷ USD, tăng 17,87% (tương đương kim ngạch tăng thêm 1,66 tỷ USD) so với cùng kỳ 2023.
Kim ngạch của Bình Dương đạt 10,7 tỷ USD, tăng 12,92% (tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 1,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài 4 địa phương kể trên, còn nhiều tỉnh, thành phố đạt kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD như Hải Phòng, Bắc Giang, Đồng Nai… Tính đến hết tháng 4, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 123,98 tỷ USD, tăng 15,1% (tương đương tăng 16,26 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước những diễn biến khó lường của tình hình kinh tế thế giới, Việt Nam ta vẫn đang nỗ lực không ngừng để phát triển kinh tế xã hội ngày càng hiệu quả và bền vững.
Năm 2024 có ý nghĩa quan trọng quyết định sự thành bại việc thực hiện mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) của các địa phương. Vì vậy, nhiều địa phương cũng đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư vào tỉnh, nhằm tạo động lực phát triển; tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tập trung đầu tư có trọng điểm gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng trưởng theo chiều sâu…