Cổ phiếu VinFast tăng 51% sau tin nhận đặt cọc xe điện VF 3

Đăng Đức 14/05/2024 16:25

Ngay sau khi doanh nghiệp nhà tỷ phú Phạm Nhật Vượng công bố thông tin chấp nhận cho khách hàng đặt cọc mua xe VF 3 sắp ra mắt thị trường, cổ phiếu của Vingroup đã tăng đột biến.

vinfast vf3

Mẫu xe điện mini VF 3 tại thị trường Việt Nam. 

Vin Fast “một mũi tên trúng hai đích”

Tại Hội nghị Nhà phân phối Ô tô điện VinFast toàn quốc năm 2024 mới đây, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của VinFast Toàn cầu đã công bố nhận đặt cọc sớm cho mẫu xe điện mini VF 3 tại thị trường Việt Nam từ ngày 13/5 đến 15/5/2024.

Đặc biệt, từ 6 giờ ngày 13/5 đến hết ngày 15/5, VinFast VF 3 có mức giá ưu đãi 235 triệu đồng/xe (chưa bao gồm pin) và 315 triệu đồng/xe (kèm pin). Sau thời gian trên, giá bán của VF 3 được điều chỉnh lần lượt là 240 triệu đồng/xe (thuê pin) và 322 triệu đồng/xe (kèm pin) cho 4 màu ngoại thất cơ bản.

Đáng chú ý, dù giá trị xe chỉ hơn 200 triệu đồng và xe mới lộ hình ảnh thực tế khi đang thử nghiệm bên trong nhà máy chứ chưa tung ra thị trường nhưng VinFast VF 3 có trang bị cần số điện tử sau vô-lăng được nhiều người dùng và chuyên gia đánh giá là giống hệt loại được xe sang Mercedes-Benz thế hệ trước, cách đây khoảng 5 - 10 năm về trước.

Trong khi thông tin VinFast chấp nhận cho khách hàng đặt cọc mua xe điện VF 3 “gây sốt” dư luận thì cổ phiếu của công ty này cũng đang tạo hiệu ứng nổi bật. Đến tối 13/5 theo giờ Việt Nam, cổ phiếu VFS trên sàn chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh ngay từ đầu phiên giao dịch và ghi nhận một trong những phiên bùng nổ nhất từ sau khi lên sàn.

VFS chốt phiên ở mức 4,56 USD - tăng 51,5% so với cuối tuần trước. Mức giá này vẫn thấp hơn gần 40% so với đầu năm, tuy nhiên so với đáy vào cuối tháng 4 thì VFS đã hồi phục gấp đôi.

Ở mức giá này thì vốn hóa của VinFast quay trở lại trên mức 10 tỷ USD, đạt 10,66 tỷ USD – ngang ngửa với 2 thương hiệu xe điện khác là NIO (11,7 tỷ USD) và Rivian (10,84 tỷ USD).

Việt Nam đã chi hơn 1 tỷ USD nhập khẩu ô tô trong 4 tháng đầu năm

xe-nhap-khau

Trong tháng 4, Việt Nam đã nhập khẩu 11.565 ô tô nguyên chiếc các loại. Ảnh minh họa

Dù hãng ô tô nội địa VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang tạo hiệu ứng tốt thì các dòng xe hơi mác “hàng ngoại” vẫn rất được người Việt ưa chuộng.

Theo thống kê sơ bộ vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tính đến hết tháng 4/2024, Việt Nam đã chi gần 1 tỷ USD nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại.

Chỉ tính riêng trong tháng 4, cả nước nhập khẩu 11.565 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch đạt 255,6 triệu USD, giảm 27,1% về lượng, giảm 22,6% về kim ngạch so với tháng trước.

So với cùng kỳ năm 2023, kết quả nhập khẩu ô tô 4 tháng qua vẫn giảm sâu với các con số lần lượt là giảm 19,4% về lượng, giảm 23,5% về kim ngạch.

Về thị trường nhập khẩu, Indonesia dẫn đầu với 19.900 xe, kim ngạch đạt 286,8 triệu USD. Tiếp theo là Thái Lan với 13.406 xe, kim ngạch đạt 266,5 triệu USD. Trung Quốc đứng thứ 3 với 8.848 xe, kim ngạch 268,92 triệu USD.

Trong 3 thị trường chủ lực, lượng xe nhập từ Thái Lan giảm sâu trong khi từ thị trường Trung Quốc tăng mạnh.

Với 42.154 xe, riêng 3 thị trường chủ lực ở châu Á chiếm đến 96,2% tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu của cả nước trong 4 tháng qua.

Trước đó, Tổng cục Hải quan cho hay, trong quý I/2024, Việt Nam nhập khẩu 32.272 ô tô nguyên chiếc các loại, giảm 23,2% so với cùng kỳ năm trước. Lượng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhập về Việt Nam là 26.655 chiếc, chiếm tới 83% tổng lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập về Việt Nam, nhưng giảm 23,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ Trung Quốc trong quý đầu năm tăng đột biến. Quý I năm nay, cả nước nhập khẩu 5.821 ô tô nguyên chiếc từ Trung Quốc, chiếm 18% tổng lượng xe nhập khẩu của cả nước và tăng tới 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Đăng Đức