Bộ Công Thương tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt các cơ hội từ FTA
Việc nâng cao hiệu quả thực thi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thông qua công tác tuyên truyền sẽ là “đòn bẩy” đáng kể cho thương mại hàng hóa với nhiều thị trường lớn trong năm 2024 và nhiều năm tới.
Bộ Công Thương tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt các cơ hội từ FTA. Ảnh minh họa
Để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt các cơ hội từ FTA, vừa qua, Bộ Công Thương đã có văn bản số 2928/BCT-ĐB gửi các Bộ ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các Hiệp hội về Kế hoạch tuyên truyền về các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) năm 2024.
Kế hoạch tuyên truyền về các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) năm 2024 được xây dựng theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về việc thống nhất Kế hoạch tuyên truyền trên cả nước về các FTA để bảo đảm tối đa hiệu quả tận dụng nguồn lực của các cơ quan quản lý Nhà nước cấp trung ương và địa phương cũng như của các Hiệp hội, doanh nghiệp.
Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), kế hoạch tuyên truyền về các FTA năm 2024 tập trung vào các chủ đề về xây dựng Hệ sinh thái tận dụng FTA; Tuyên truyền về các nội dung liên quan phát triển bền vững theo các FTA; Tuyên truyền thông tin thị trường và hướng dẫn tiếp cận thị trường FTA; Tuyên truyền về các chương trình hỗ trợ riêng cho tận dụng FTA; Tuyên truyền về nâng cao giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp tại thị trường FTA; Hướng dẫn các cam kết trong các FTA.
Song song với đó, còn hướng tới việc tham gia chuỗi cung ứng, tăng cường kết nối với doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp FDI; Đào tạo nguồn nhân lực thực thi FTA; Tận dụng nguồn nhập khẩu để gia tăng tỷ lệ tận dụng FTA và đồng thời phổ biến, hướng dẫn các FTA mới ký kết, phê duyệt hoặc phê chuẩn.
Việc tuyên truyền chủ yếu bao gồm các hội nghị, hội thảo, khóa tập huấn do các bộ, ngành, các tỉnh, thành và các hiệp hội dự kiến triển khai trên cả nước.
Từ các giải pháp khắc phục khó khăn, mở cửa thị trường của Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt đó là sự chủ động trong việc thúc đẩy thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) của Bộ Công Thương đã giúp Việt Nam đạt được nhiều kết quả kinh tế vô cùng tích cực.
Trong những năm qua xuất khẩu gạo được hưởng nhiều lợi ích từ các FTA. Ảnh minh họa
Hiện nay, Việt Nam đã và đang tham gia 19 FTA song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Trong đó, 16/19 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục, với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu... đây cũng chính là cơ sở, là nền tảng đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương và đa phương.
Để tối ưu hóa những tác động tích cực và giảm thiểu tác động tiêu cực của hội nhập kinh tế đến nền kinh tế, trong năm 2024 cũng như các năm tiếp theo, Bộ Công Thương sẽ đặt trọng tâm hàng đầu vào việc thực thi và tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các FTA, nhất là từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA, Hiệp định của ASEAN với các đối tác.
Đánh giá về hiệu quả từ các FTA, theo Bộ Công Thương, những năm gần đây, nhờ “đòn bẩy” của các FTA, doanh nghiệp tập trung vào những sản phẩm giá trị cao cấp để xuất khẩu vào những thị trường khó tính, như EU, Canada, Mỹ, Nhật Bản... Có thể thấy, phạm vi đối tác FTA của Việt Nam hiện tại đã khá rộng và toàn diện.
Vì vậy, trong từ 3-5 năm tới sẽ chạm đến các dấu mốc quan trọng của nhiều Hiệp định và dần tiến đến tự do hóa thuế quan hầu hết các mặt hàng nhập khẩu với các đối tác thương mại chính. Điều này sẽ tiếp tục là động lực đáng kể cho thương mại hàng hóa với nhiều thị trường lớn trong năm 2024 và nhiều năm tới.