Đơn hàng khởi sắc, xuất khẩu gỗ đang có nhiều tín hiệu tốt dần lên
Nhờ tiêu dùng hàng hóa tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đang đón những tín hiệu tốt dần lên, nhờ đó thúc đẩy các đơn hàng xuất khẩu tăng, trong đó có nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ.
Xuất khẩu gỗ đang có nhiều tín hiệu tốt dần lên trong những tháng đầu năm 2024. Ảnh minh họa
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 4/2024 đạt 1,3 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng 3/2024 và tăng 19,4% so với tháng 4/2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 893 triệu USD, tăng 0,7% so với tháng 3/2024, và tăng 14,1% so với tháng 4/2023.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 4,84 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, tiêu dùng hàng hóa tại nhiều thị trường lớn tại khu vực châu Mỹ, châu Âu đang đón những tín hiệu tốt dần lên, theo đó tỷ trọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới các khu vực này ghi nhận mức tăng trong quý 1/2024. Trong đó, tỷ trọng xuất khẩu sang châu Mỹ chiếm 56,2%, tăng 4,6 điểm phần trăm so với quý 1/2023; tỷ trọng xuất khẩu sang châu Âu chiếm 6,3%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý 1/2023. Trong quý 1/2024, chỉ có tỷ trọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới khu vực châu Á là có xu hướng giảm, chiếm 35,82%, giảm 5,12 điểm phần trăm so với quý 1/2023.
Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu trong quý 1/2024, đồ nội thất bằng gỗ luôn là mặt hàng xuất khẩu chính chiếm tỷ trọng cao. Tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng này chiếm 60,98% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu chủ yếu tới khu vực châu Mỹ với trị giá chiếm 79,8% tổng trị giá xuất khẩu; tiếp theo là thị trường châu Á, châu Âu, châu Đại Dương và châu Phi.
Hiện, gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã được xuất khẩu sang gần 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của ngành từ 5 thị trường chính là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU đạt trên 11,74 tỷ USD, chiếm trên 89,13% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này giảm từ 12% đến 30% so với năm 2022.
Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 7,1 tỷ USD, chiếm trên 53,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, đây cũng là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của ngành gỗ Việt Nam.
Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt trên 1,73 tỷ USD, giảm 20,4% so với năm 2022, chiếm 13,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhật Bản: đạt trên 1,65 tỷ USD, giảm 12,5%, Hàn Quốc: đạt trên 796,81 triệu USD, giảm 21,3% so với năm 2022, EU đạt trên 455,52 triệu USD, giảm 29,5% so với năm 2022.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST). Ảnh DĐDN
Đánh giá về ngành gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), sự tăng trưởng ngành công nghiệp gỗ trong hơn hai thập kỷ vừa qua dựa vào một số lợi thế so sánh như chi phí đầu vào, nhân công thấp. “Nhưng đã đến thời kỳ không thể dựa vào những lợi thế so sánh đó”, Phó Chủ tịch VIFOREST nhấn mạnh.
Ông Ngô Sỹ Hoài cũng cho rằng, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu mới tham gia vào các thị trường với tư cách là các doanh nghiệp, doanh nhân cá thể, chưa phải tư cách ngành hàng quốc gia. Do đó, sức cạnh tranh còn thấp.
“Cạnh tranh nước ngoài thì ít, cạnh tranh trong nước thì nhiều. Chính phủ, Quốc hội cần cơ chế nào đó để doanh nghiệp hợp nhất, đồng lòng. Hiệp hội chúng tôi cũng chỉ mang tính khuyến nghị mềm, chưa đủ sức thuyết phục doanh nghiêp, sự hợp tác còn kém”, Phó Chủ tịch VIFOREST kiến nghị.
Ông Hoài cũng cho biết thêm xu hướng khác với ngành gỗ. Cụ thể, bên cạnh xu hướng toàn cầu hoá và hội nhập, hiện đã có xu hướng tìm các nguồn thân hữu để tránh rủi ro, tạo sức mạnh nội khối. Do đó, đại diện VIFOREST khuyến cáo doanh nghiệp cần sự tập hợp hoặc liên kết đối tác châu Âu, Canada, Rumani,… để chế biến ra sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, châu Âu và các nước khác.
Đồng thời nhấn mạnh vai trò khơi thông nguồn lực của chính các doanh nghiệp" - ông Hoài nói, bởi theo ông Hoài, với ngành gỗ, dù có những khó khăn nhưng các doanh nghiệp với kinh nghiệm 30 năm qua sẽ có cách thức vượt khó khăn.