Lần đầu tiên củ sen được xuất sang thị trường Nhật Bản mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế mới
Vừa qua, tại Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp), công ty Cổ phần thực phẩm Sen Đại Việt phối hợp cùng Hội Ngành hàng Sen Đồng Tháp tổ chức lễ công bố xuất khẩu 15 tấn củ sen đầu tiên sang thị trường Nhật Bản.
Xuất khẩu củ sen mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế mới. (Ảnh minh hoạ)
Sen là sản phẩm đặc thù mang tính thương hiệu của tỉnh Đồng Tháp, có giá trị kinh tế cao và tiềm năng phát triển du lịch. Sen cũng là một trong các ngành hàng chủ lực được xác định trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Sen được trồng rộng khắp ở các địa phương trên địa bàn tỉnh với hơn 1.800 ha, sản lượng đạt hơn 1.500 tấn/năm. Trong đó, tập trung nhiều nhất tại các huyện: Tháp Mười, Cao Lãnh, Châu Thành, Tân Hồng, Tam Nông...
Đặc biệt, Tháp Mười là địa phương với diện tích trồng sen chiếm hơn 30% diện tích sen của cả tỉnh (tương đương 525 ha). Theo thống kê, năm 2023 nông dân trồng sen của tỉnh có lợi nhuận bình quân hơn 28 triệu đồng/ha/vụ.
Hiện, Đồng Tháp cũng có hơn 40 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm từ sen; 56 sản phẩm OCOP làm từ sen; 4 sản phẩm từ sen được chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu “Made in Dong Thap”.
Với những lợi thế vốn có, sản phẩm sen, đặc biệt là củ sen mang lại nhiều cơ hội lớn để phát triển thương mại và đóng góp vào nền kinh tế địa phương.
Củ sen xuất sang Nhật được thu hoạch sau 135 ngày sau trồng, kích cỡ 4 - 6 cm. Sau khi sơ chế củ được cắt lát đường kính 4 - 6 cm, cấp đông ở nhiệt độ -25 độ bằng công nghệ IQF. Lô hàng 15 tấn có giá trị khoảng một tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng - Phó chủ tịch Hội ngành hàng sen Đồng Tháp cho biết, loại này trồng ở miền Tây có thể trồng quanh năm, có năng suất từ 5-7 tấn một vụ (4 tháng). Theo Hiệp hội này, miền Tây có khoảng 3.000 ha trồng sen song đa phần lấy hạt, chỉ 200 ha trồng lấy củ, khá ít so với nhu cầu.
Chia sẻ thêm về nhu cầu của thị trường, ông Thắng nói thị trường Nhật cần khoảng 100.000 tấn củ sen mỗi năm, trong khi Trung Quốc là hai triệu tấn. Có thể thấy nhu cầu xuất khẩu củ sen là rất lớn.
Tuy nhiên trước nhu cầu lớn như vậy, yêu cầu đối với sản phẩm sen lại vô cùng khắt khe. Ông Nguyễn Minh Thiện - Giám đốc Nhà máy Công ty CP Thực phẩm Sen Đại Việt - đơn vị xuất khẩu lô củ sen cho biết, để xuất khẩu chính thức sang Nhật, doanh nghiệp có hai năm đàm phán, nhiều lần gửi hàng mẫu. Lô sen được xuất khẩu có trị giá khoảng 1 tỉ đồng.
"Thị trường Nhật Bản rất khó tính, đối tác phía Nhật yêu cầu kiểm nghiệm mẫu đất, nước, không khí nơi trồng sen và quy trình chế biến tại nhà máy. Trung bình một tấn củ sen nguyên liệu sử dụng được 30% để xuất khẩu, còn lại dùng chế biến các sản phẩm bán trong nước. Dự kiến trong năm nay, đối tác Nhật Bản sẽ nhập thêm 8 container, giá trị khoảng 7 tỉ đồng" - Ông Nguyễn Minh Thiện cho biết thêm.
Trong thời gian tới, cùng với những cam kết giữa Việt Nam và Nhật Bản trong quá trình thực thi Hiệp định giữa Việt Nam và Nhật Bản (Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam Nhật Bản (VJEPA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)). Hy vọng rằng nông sản của Đồng Tháp nói chung và đặc biệt là mặt hàng sen của Đồng Tháp sẽ thâm nhập sâu vào thị trường Nhật Bản nhiều hơn, góp phần phát triển kinh tế địa phương một cách hiệu quả và bền vững.