Gạo Việt Nam tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường lớn trên thế giới
Ngày 26/04 tại TP Cần Thơ, Bộ Công Thương đã phối hợp tổ chức Hội nghị "Đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý 1 năm 2024 và bàn định hướng xuất khẩu gạo trong thời gian tới".
Quý I/2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng. (Ảnh minh hoạ)
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, sản lượng xuất khẩu gạo trong năm 2023 đạt 8,13 triệu tấn gạo tương đương với trị giá 4,67 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 575 USD/tấn, tăng 18,26% so với mức bình quân năm 2022.
Về thị trường, khu vực thị trường châu Á tiếp tục là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất trong năm 2023, đạt hơn 6 triệu tấn, chiếm 75% tổng lượng xuất khẩu, tăng 22,8% so với năm 2022; tiếp đến là châu Phi với kết quả xuất khẩu đạt gần 1,34 triệu tấn, chiếm 16,5% tổng lượng gạo xuất khẩu, tăng gần 7,2%. Khu vực thị trường châu Âu tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam (khoảng 1,6%) nhưng vẫn đạt 132,6 nghìn tấn.
Đây là một kết quả đáng mừng, một tín hiệu tốt đẹp cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Theo Bộ Công Thương, năm 2023 được đánh giá là năm “đại thành công” của ngành lúa gạo Việt Nam.
Tiếp nối những thành công của năm cũ, sang năm 2024, tính đến hết quý I, xuất khẩu gạo tăng 17,6% về lượng, tăng 45,5% về kim ngạch và tăng 23,6% về giá so với quý I năm 2023, đạt trên 2,18 triệu tấn, tương đương gần 1,43 tỷ USD, giá trung bình 653,9 USD/tấn.
Đáng chú ý, trong quý I/2024 Xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đánh dấu sự vươn lên mạnh mẽ khi tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng.
Trong đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam chiếm 46,4% trong tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước; xuất khẩu gạo sang Indonesia đứng thứ 2 thị trường, tăng mạnh 199,7% về lượng, tăng 308,8% kim ngạch và tăng 36,4% về giá so với cùng kỳ năm 2023; xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia tăng 28,8% về lượng, tăng 60,6% kim ngạch và tăng 24,7% về giá so với quý I/2023.
Ngoài ra, Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Singapore trong quý 1/2024 cũng tăng trưởng rất tốt. Việt Nam lần đầu tiên là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất vào thị trường Singapore, chiếm 32,03% thị phần, kim ngạch cao hơn so với Ấn Độ (6,96%) và Thái Lan (8,28%), đạt kim ngạch khoảng 36,15 triệu SGD, tăng 80,46% so với quý I/2023.
Một số chủng loại gạo xuất khẩu trong quý I năm 2024 vẫn được ưa chuộng trên thị trường gồm gạo thơm các loại (ST24, ST 25, ĐT8, Hàm Châu, Nàng Hoa...), gạo jasmine, gạo japonica, gạo trắng 5%.
Còn theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường trên thế giới vẫn được dự báo ở mức cao hơn tổng cung toàn cầu nên giá gạo xuất khẩu vẫn được kỳ vọng tăng.
Cần kịp thời giải quyết những vướng mắc trước mắt và lâu dài, hướng đến sự phát triển bền vững cho ngành lúa gạo Việt Nam. (Ảnh minh hoạ)
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, tại Hội nghị Bộ Công Thương nhận định về tình hình thương mại gạo toàn cầu năm 2024 còn nhiều thách thức: Tình hình thế giới vẫn sẽ có nhiều khó khăn, biến động và chịu tác động bởi nhiều yếu tố (như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số quốc gia; Nga tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen; thời tiết không thuận lợi gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng lương thực tại nhiều nước…), điều này gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Để chuẩn bị cho những biến động sắp tới, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân tiếp tục nghiêm túc thực hiện duy trì dự trữ lưu thông tối thiểu, chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất theo yêu cầu của các Bộ, ngành liên quan theo quy định của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP; chủ động phối hợp xây dựng liên kết vùng nguyên liệu năng suất, chất lượng cao phù hợp yêu cầu thị trường, quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường nhập khẩu, đảm bảo nguồn hàng ổn định, bền vững.
Đồng thời, chủ động nắm bắt tình hình thông tin mới, ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh tại địa phương và tại thị trường xuất khẩu; kịp thời báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan để phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo.
Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng lúa đạt 7,1 triệu ha, sản lượng lúa trên 43 triệu tấn, đảm bảo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu gạo trên 8 triệu tấn với kỳ vọng đạt giá trị 5 tỷ USD.
Hội nghị "Đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý 1 năm 2024 và bàn định hướng xuất khẩu gạo trong thời gian tới" được tổ chức nhằm đánh giá kết quả, xây dựng định hướng để thực hiện tốt các mục tiêu, nguyên tắc điều hành kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định. Bên cạnh đó, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới; Phát triển hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông và tiêu thụ mặt hàng gạo.