Doanh nghiệp nữ làm chủ vẫn còn gặp khó khăn trong tham gia chuỗi cung ứng
Theo Sách Trắng về doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam năm 2023, đa số các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, gặp khó khăn về vốn, công nghệ, quản trị, nên việc tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu là vô cùng khó khăn.
Doanh nghiệp nữ làm chủ vẫn còn gặp khó khăn trong tham gia chuỗi cung ứng. Ảnh minh họa
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên bình diện thế giới, phụ nữ chiếm gần một nửa dân số nhưng hiện chỉ đóng góp 37% GDP toàn cầu. Các tính toán cho thấy, nếu phụ nữ tham gia bình đẳng vào nền kinh tế, GDP toàn cầu vào năm 2025 có thể tăng thêm 28.000 tỷ USD. Trên thế giới ước tính cho thấy phụ nữ sở hữu khoảng 33% tổng số doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tăng trưởng theo tỷ lệ tăng trưởng như của nam giới, GDP toàn cầu sẽ tăng lên thêm khoảng 2 nghìn tỷ USD - tương đương 2% đến 3% GDP toàn cầu - và tạo ra từ 288 triệu đến 433 triệu việc làm mới.
Hiện nay, tại Việt Nam, hơn 20% chủ sở hữu doanh nghiệp vừa và nhỏ là phụ nữ; 51% doanh nghiệp Việt Nam có phụ nữ trong cơ cấu chủ sở hữu, cao hơn so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đa số ở cấp thấp nhất của chuỗi cung ứng trong nhiều ngành và gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu mua sắm của các công ty lớn.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính của thực trạng này là hạn chế trong việc tiếp cận nguồn vốn; Thứ hai, chưa bình đẳng trong tiếp cận thị trường; Thứ ba, thiếu hụt các mạng lưới hỗ trợ kinh doanh cho phụ nữ; Thứ tư, ít các chương trình đào tạo và cơ hội cố vấn để trau dồi kỹ năng cho doanh nhân nữ; Thứ năm, gánh nặng của công việc chăm sóc gia đình và định kiến về khả năng kinh doanh của phụ nữ vẫn còn tồn tại.
Bên cạnh đó, trong thông tin từ Sách Trắng về doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam, được Bộ Kế hoạch Đầu tư công bố vào tháng 12/2023, đa số các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, gặp khó khăn về vốn, công nghệ, quản trị, nên việc tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu là vô cùng khó khăn. Đó là lý do, chỉ có khoảng 4% doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ được đánh giá là năng động, tham gia một cách hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để giúp phụ nữ tham gia sâu hơn trong doanh nghiệp tại Diễn đàn “Hỗ trợ Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tham gia chuỗi cung ứng thông qua các công cụ phát triển bền vững” mới đây, Bà Caroline T. Nyamayemobe - Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp nên áp dụng nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ và mua sắm có trách nhiệm giới, nên đầu tư đào tạo nâng cao năng lực cho phụ nữ.
Diễn đàn “Hỗ trợ Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tham gia chuỗi cung ứng thông qua các công cụ phát triển bền vững”. Ảnh Hương Lan
Đối với các doanh nhân nữ, nên hướng vào đổi mới sáng tạo, tìm kiếm nguồn lực, tham gia mạng lưới doanh nhân nữ để khai thác sức mạnh doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Do đó, bà Caroline T. Nyamayemobe khuyến nghị: Chính phủ cần xây dựng chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, thu thập và chia sẻ dữ liệu về doanh nhân nữ, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng trong tình hình mới hiện nay, các doanh nghiệp do nữ làm chủ nói riêng, các doanh nghiệp nói chung cần đổi mới sáng tạo, kinh doanh bền vững hướng tới mở rộng thị trường, tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trên thế giới, các thị trường đã đặt ra nhiều yêu cầu mới mà các doanh nghiệp cần phải thực hiện, đó là: Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU (CBAM); Quy định chống suy thoái rừng (EUDR); Chỉ thị Thẩm định chuỗi cung ứng (có hiệu lực từ 2026) thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp bền vững và có trách nhiệm trong.
Ngoài ra, Châu Âu cũng đang xây dựng dự thảo chỉ thị yêu cầu ngăn chặn, chấm dứt hoặc giảm thiểu tác động tiêu cực trong hoạt động của doanh nghiệp bao gồm cả công ty con và toàn bộ chuỗi cung ứng của họ đối với các vấn đề lao động và môi trường.
Từ đó, ông Nguyễn Hoa Cương khuyến nghị, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tối đa các thị trường mới mở từ các FTA. Nâng cao các chính sách tài chính xanh, tín dụng xanh. Thể chế hoá các hỗ trợ đối với các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Còn đối với doanh nghiệp: Thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Xây dựng chuỗi cung ứng xanh, thực hành ESG. Chủ động ứng dụng công nghệ trong toàn bộ chuỗi giá trị. Tiếp cận các mô hình kinh doanh bền vững. Đặc biệt, chủ động tham gia các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước.