Xử phạt lên đến 100 triệu đồng nếu khai thác thuỷ sản không có giấy phép
Theo Nghị định số 38/2024/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản, đối với hành vi khai thác thủy sản không có giấy phép bị phạt tới 100 triệu đồng và có thể bị tước quyền sử dụng chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá.
Hành vi khai thác thủy sản không có giấy phép bị phạt tới 100 triệu đồng và có thể bị tước quyền sử dụng chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá. (Ảnh minh hoạ)
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 38/2024/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Thời gian áp dụng quy định bắt đầu từ ngày 20/05/2024.
Theo đó, đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, hình thức xử phạt chính được áp dụng là phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện là 1.000.000.000 đồng.
Ngoài ra, các hình thức xử phạt bổ sung áp dụng trong lĩnh vực thủy sản, bao gồm: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; hay Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; và buộc khắc phục hậu quả.
Liên quan đến nội dung giấy phép khai thác thủy sản, đối với những hành vi vi phạm về giấy phép đều được quy định rõ mức phạt cụ thể.
Trong đó, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Không mang bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy phép khai thác thủy sản khi tàu cá hoạt động khai thác thủy sản; Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét đến dưới 12 mét khai thác thủy sản không đúng nghề ghi trong Giấy phép khai thác thủy sản; Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét đến dưới 12 mét khai thác thủy sản trong nội địa mà không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét đến dưới 12 mét khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam mà không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn; Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét khai thác thủy sản không đúng nghề ghi trong Giấy phép khai thác thủy sản; Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên khai thác thủy sản trong nội địa mà không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như sau: Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét khai thác thủy sản trong nội địa và trong vùng biển Việt Nam mà không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn; Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên khai thác thủy sản không đúng nghề ghi trong Giấy phép khai thác thủy sản. Đặc biệt, đối với hành vi vi phạm quy định này trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần sẽ bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Việc kiểm soát chặt chẽ về giấy phép khai thác, tàu cá ra vào cảng, truy xuất nguồn gốc thủy sản là một trong các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Điều này đã góp phần kịp thời phát hiện và ngăn chăn xử lý các trường hợp hành nghề không đảm bảo quy định, chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, đảm bảo ổn định ngành kinh tế biển.