Ngân hàng Nhà nước đưa giải pháp giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế
Thời gian gần đây, giá vàng trong nước liên tục biến động, đặc biệt có chiều hướng tăng cao và nhanh chóng. Vào trưa 12/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi thông báo với nội dung về việc quản lý và điều tiết thị trường vàng trong nước thời gian tới.
Giá vàng trong nước liên tục biến động theo chiều hướng tăng. (Ảnh minh hoạ)
Vàng nổi tiếng là "kênh trú ẩn an toàn" khi môi trường địa chính trị nhiều nơi trở nên bất ổn và triển vọng kinh tế u ám. Quan điểm chung là giá vàng thỏi sẽ tăng khi lãi suất giảm - điều mà nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ xảy ra vào cuối năm nay.
Vào đầu tháng 3/2024 giá vàng bắt đầu tăng vọt, sau khi giao dịch ở mức khá ổn định trong nhiều tháng. Kim loại quý này đã tăng 14% kể từ đó và ghi dấu chuỗi tăng kỷ lục hàng ngày.
Đáng chú ý, mức tăng của giá vàng trong nước thường cao hơn nhiều so với mức tăng của giá vàng thế giới, cho thấy tính liên thông giữa thị trường vàng trong nước và thế giới đang gặp nhiều bất cập. Trong tuần qua, thị trường vàng liên tục biến động, có những lúc vàng miếng vượt kỷ lục lịch sử lên gần 85 triệu đồng, còn vàng nhẫn chạm mốc 78 triệu đồng một lượng. Chênh lệch với giá thế giới tăng cao, vàng nhẫn trong nước cao hơn từ 5,5-6,5 triệu đồng, còn vàng miếng chênh quanh 13 triệu đồng. Với mức chênh lệch lớn như hiện nay buộc các nhà quản lý phải xem xét, giải bài toán khó để bảo đảm thị trường vàng ổn định, hiệu quả.
Theo đánh giá của NHNN, trong thời gian vừa qua, trước diễn biến phức tạp của thị trường vàng thế giới và trong nước, giá vàng trong nước đã biến động mạnh, tăng nhanh, chênh lệch cao với giá quốc tế. Để ổn định thị trường, NHNN đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp; đồng thời thực hiện công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp, các TCTD trên toàn quốc vào các năm 2022, 2023 …
Cụ thể, đối với thị trường vàng miếng, thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với giá thế giới.
Với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ.
Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan để yêu cầu doanh nghiệp triển khai sử dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý.
Bên cạnh đó, thực hiện ngay công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng giá vàng. Đối với hoạt động thanh tra, NHNN và các bộ, ngành đã thành lập xong đoàn thanh tra và sẽ triển khai ngay trong tháng 4 này.
Ngoài ra, đối với Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24), NHNN đã có báo cáo tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện Nghị định 24 và cũng đã đề xuất một số phương hướng chỉnh sửa, bổ sung đối với Nghị định 24 và triển khai trong thời gian tới.