Hà Nội đưa giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp
Để tăng cường phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn, Hà Nội đã tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp đầu tư hoạt động tại các khu cụm công nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: VGP/TL
Theo thông tin tại Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp đầu tư hoạt động tại các khu cụm công nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội vào sáng 5/4, tính đến nay Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích sử dụng đất là 1.348ha; 102 cụm công nghiệp đã và đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích 2.188ha; các khu, cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%.
Thời gian vừa qua, thành phố đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng 2 KCN (KCN Quang Minh 2, diện tích 160 ha và KCN Sạch Sóc Sơn, diện tích 302,8 ha). Hoàn tất thủ tục thành lập mới KCN Đông Anh, với diện tích 300 ha. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn để khởi công 25/43 CCN được thành lập giai đoạn 2018-2020 nhưng còn vướng mắc thủ tục. Phấn đấu hoàn thành khởi công 43/43 CCN trong năm 2024.
Trao đổi về tình hình phát triển khu công nghiệp tại Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong những năm qua tình hình phát triển sản xuất kinh, doanh doanh nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng trên địa bàn thành phố diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương triển khai quyết liệt các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, nhất là Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo đó, trong năm 2023 các KCN đã thu hút được 10 dự án mới, 20 dự án mở rộng. Lũy kế đến nay, các KCN đã thu hút được 709 dự án, trong đó có 300 dự án đầu tư nước ngoài vốn đăng ký gần 6,7 tỷ USD, 409 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký trên 26.000 tỷ đồng.
Đến nay trên địa bàn thành phố đã có 70 CCN đã đi vào hoạt động phân bố tại 17 quận, huyện, thị xã, thu hút khoảng 3.864 chủ đầu tư doanh nghiệp thứ phát, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 60.000 lao động, nộp ngân sách nhà nước khoảng 1.100 tỷ đồng/năm. Thành phố cũng đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 44 CCN, đang tổ chức thẩm định thành lập 25 CCN với diện tích 288ha. Bên cạnh những kết quả tích cực, theo bà Lan, trong quá trình đầu tư, phát triển và hoạt động của các KCN, CCN trên địa bàn thành phố có phát sinh các khó khăn, vướng mắc.
Hà Nội tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp. Ảnh minh họa
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã nêu những kiến nghị tập trung vào 3 nhóm vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch, cơ chế chính sách phát triển khu, cụm công nghiệp; nhóm các vấn đề liên quan đến giải pháp phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường; nhóm vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp; về lao động, phòng cháy chữa cháy, chính sách miễn giảm thuế, cải cách thủ tục hành chính,...
Cụ thể, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị UDIC Nguyễn Hoàng Hải cho biết, doanh nghiệp đang đầu tư Dự án cụm công nghiệp CN3, huyện Sóc Sơn, diện tích 78,15ha, đã cơ bản giải phóng mặt bằng và có quyết định giao đất đợt 1 với diện tích hơn 56ha. Tuy nhiên, dự án vẫn đang gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại do vướng vào khu vực nghĩa trang. Đề nghị thành phố gia hạn thời gian thực hiện dự án và huyện Sóc Sơn quy hoạch nghĩa trang tập trung, tháo gỡ vướng mắc này.
Trước những những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tại Hội nghị, lãnh đạo thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thường xuyên tổ chức các Hội nghị giao ban định kỳ và đột xuất để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Đồng thời, thành phố sẽ khắc phục triệt để tình trạng phát triển công nghiệp với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, không bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường, phòng chống cháy nổ..., phải đáp ứng tiêu chuẩn và định hướng phát triển văn minh, hiện đại của Thành phố...