Sơn La: Nỗ lực giảm nghèo bền vững cho người dân huyện Thuận Châu
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, những năm qua huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất để tăng thu nhập cho người dân. Qua đó, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phấn đấu thoát khỏi danh sách huyện nghèo vào năm 2025.
Mô hình trồng dứa giúp bà con nhân dân thoát nghèo tại Thuận Châu.
Nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Sơn La, với 6 dân tộc anh em cùng sinh sống, Thuận Châu là 1 trong 2 huyện của tỉnh Sơn La trong danh sách huyện nghèo giai đoạn 2021-2025. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, những năm qua huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất để tăng thu nhập cho người dân. Qua đó, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phấn đấu thoát khỏi danh sách huyện nghèo vào năm 2025.
Co Mạ là xã vùng cao thuộc huyện Thuận Châu, với gần 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, trước đây người dân chủ yếu sản xuất theo hướng tự cung, tự cấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây bằng các nguồn lực, đầu tư thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xã Co Mạ đã từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng; Điển hình như mô hình trồng dứa tạo sinh kế cho nhân dân, nhờ sự liên kết vùng trồng phục vụ cho nhà máy chế biến, cây dứa đã trở thành sản phẩm hàng hóa mang lại thu nhập để người dân từng bước thoát nghèo.
Ông Vì Văn Luận, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, Sơn La cho biết: “Được chính quyền huyện, xã vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng gia đình tôi chuyển sang trồng dứa. Trong quá trình trồng dứa tôi cảm thấy cây dứa phát triển rất tốt, đến nay đã được thu hoạch rồi, so với trồng cây ngô, cây sắn, trồng dứa cho hiệu quả hơn hẳn, sang năm nếu giá cả ổn định hơn thì tôi sẽ mở rộng thêm diện tích trồng thêm 2ha”.
Nằm dọc Sông Đà, xã Liệp Tè là xã đầu tiên của huyện Thuận Châu thực hiện di chuyển dân để phục vụ xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La. Theo thống kê năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm trên 78%. Trước tình hình trên Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ xã Liệp Tè tập trung phát triển nghề nuôi cá lồng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của xã. Sau gần 3 năm Nghị quyết đi vào đời sống, đến nay, xã đã có trên 600 lồng cá, sản lượng cá thương phẩm xuất bán ra thị trường đạt trên 50 tấn/năm.
Ông Quàng Văn Tiếp, Bí thư Đảng ủy xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu, Sơn La chia sẻ: “ Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn 48,7% so với đầu nhiệm kỳ đây là một mức giảm rất sâu so với các địa phương khác trong huyện, trong tỉnh. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, cấp ủy, chính quyền xã đã xây dựng ban hành các nghị quyết, đưa Nghị quyết vào cuộc sống, tiếp tục định hướng tuyên truyền cho bà con phát triển kinh tế hộ gia đình, tập trung chăn nuôi đại gia súc, nuôi cá, thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sơn La”.
Từng là một trong hàng trăm hộ nghèo của xã, năm 2021 gia đình chị Lò Thị Thương được hỗ trợ vay vốn 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư nuôi cá lồng. Ngay sau khi có vốn gia đình chị đã tiến hành làm lồng cá, mua cá giống, thức ăn chăn nuôi, cùng với đó gia đình chị được tham gia vào HTX nuôi trồng thủy sản Liệp Tè, được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật; thực hiện sản xuất theo hình thức gối vụ để đảm bảo số lượng, chất lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường. Đến nay mô hình nuôi cá lồng đã cho thu nhập trên 300 triệu đồng một năm, giúp gia đình chị thoát nghèo bền vững.
Người dân đầu tư nuôi thủy sản tại xã Liệp Tè.
Chị Lò Thị Thương, chia sẻ với phóng viên: “Trước đây gia đình là hộ nghèo, được Đảng, Nhà nước quan tâm, hộ gia đình được vay vốn về đầu tư làm lồng cá, hiện nay gia đình đã dùng nguồn vốn nuôi cá lăng vàng, lăng đen cá ở đây lớn rất nhanh do nguồn nước sạch, cùng với kỹ thuật chăn nuôi được học nên tôi biết được các cách phòng bệnh, bổ sung các loại thức ăn cho cá. Mỗi năm gia đình cũng có thu nhập trên 300 triệu đồng nhờ nuôi cá”.
Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, thông qua nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư cơ sở hạ tầng, đến nay, 100% các tuyến đường từ trung tâm huyện về xã đã được cứng hóa. Hệ thống thủy lợi được kiên cố hóa, bảo đảm cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trụ sở làm việc, trạm y tế và trường học trên địa bàn các xã đều đã được đầu tư xây dựng khang trang, tạo diện mạo nông thôn mới ở các địa phương trong huyện, hiện nay huyện đã có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Tập trung khai thác, phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế từng vùng, chuyển từ canh tác nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô lớn, sản xuất hàng hóa. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế cây trồng giá trị thấp bằng cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao như chè, cà phê, chanh leo, thanh long, bơ, xoài, nhãn… Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp xanh. Tích cực kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường các nước.
Ông Đinh Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, Sơn La cho biết: “ UBND huyện đã tập trung, rà soát và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… để đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nhân dân, đặc biệt là tại các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho các xã vươn lên thoát khỏi xã khó khăn. Hỗ trợ cho các hộ gia đình thực hiện tốt việc xóa đói giảm nghèo, thoát khỏi tình trạng nghèo và cận nghèo”.
Với những bước đi bài bản, chắc chắn, cùng những kết quả đã đạt được trong hành trình thoát nghèo, sẽ là tiền đề vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thuận Châu tự tin, vững bước về đích đúng tiến độ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thuận Châu đã đề ra đó là đưa huyện Thuận Châu thoát nghèo vào năm 2025.