GDP quý I/2024 ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm 2023
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm 2020-2023.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế trong quý I/2024. Ảnh minh họa
Thông tin về bối cảnh bao trùm kinh tế thế giới 3 tháng đầu năm 2024, tại họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I/2024, theo Tổng cục Thống kê, kinh tế thế giới trong những tháng qua tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt hơn, gia tăng căng thẳng địa chính trị; xung đột quân sự giữa Nga - U-crai-na diễn biến phức tạp và kéo dài, xung đột tại dải Gaza leo thang, các cuộc tấn công hoạt động vận tải tại Biển Đỏ đã ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng hàng hóa, dầu thô, lương thực toàn cầu, gia tăng rủi ro đối với an toàn hàng hải, ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng của các quốc gia trên thế giới.
Trước những khó khăn trên, các tổ chức quốc tế đưa ra nhận định ở các mức khác nhau về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 nhưng đều thấp hơn mức tăng trưởng của năm 2023 từ 0,2 đến 0,3%. Cụ thể, Liên hợp quốc (UN) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 cùng đạt mức 2,4%, thấp hơn lần lượt 0,3 và 0,2% so với năm 2023. Trong khu vực, WB dự báo tăng trưởng kinh tế của Thái Lan và Malaysia lần lượt đạt 3,2% và 4,3%, tăng 0,7 và 0,4% so với năm 2023; Phillipines và Việt Nam lần lượt đạt 5,8% và 5,5%, tăng 0,2 và 0,8%; riêng tăng trưởng của Indonexia đạt 4,9%, giảm 0,1 %.
Trước tình hình đó, với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau Tết Nguyên đán. Các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng. Theo đó, kinh tế - xã hội quý I/2024 của nước ta đạt được kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn.
Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%, đóng góp 41,68%; khu vực dịch vụ tăng 6,12%, đóng góp 52,23%.
Trong mức tăng chung của nền kinh tế, sản xuất công nghiệp khởi sắc và tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2023. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý 1/2024 tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,02 % vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,98%, đóng góp 1,73 %. Trong khu vực dịch vụ, các hoạt động thương mại diễn ra sôi động, du lịch phục hồi mạnh mẽ nhờ hiệu quả của chính sách thị thực thuận lợi và chương trình kích cầu du lịch, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chủ lực tăng cao.
Trong quý 1, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành ước tính tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,98%. Tính chung quý I/2024, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,9%).
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2024 tăng 9,8% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 14,1% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 19,8%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân quý 1/2024 là 68,7% (bình quân quý 1/2023 là 81,1%).