Top 10 doanh nghiệp tăng trưởng nhất Việt Nam

Hương Lan 15/03/2024 11:13

Mới đây, Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố Bảng Xếp hạng Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2024 (FAST500).

Tập đoàn nhựa Bình Thuân

 Một trong những nhà máy với dây chuyền sản xuất hiện tại của tập đoàn Nhựa Bình Thuận. Ảnh minh họa

Theo Vietnam Report, Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500) đã bước sang năm thứ 14 trên chặng đường tìm kiếm, ghi nhận và tôn vinh những thành tích xứng đáng của các doanh nghiệp đạt hiệu quả tốt trong kinh doanh, dựa trên tiêu chí chính là tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) về doanh thu. Bên cạnh đó, các tiêu chí như tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, lợi nhuận trước thuế và uy tín doanh nghiệp trên truyền thông… cũng được sử dụng như yếu tố bổ trợ để xác định quy mô cũng như vị thế của doanh nghiệp trong ngành hoạt động.

Khu vực tư nhân dẫn đầu trong tăng trưởng

Trong Bảng Xếp hạng Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2024 (FAST500), đứng đầu danh sách là 10 doanh nghiệp như Công ty CP Tập đoàn Nhựa Bình Thuận, Công ty CP Chứng khoán HD, Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong, Công ty CP Công nghệ và Dịch vụ Imedia, Công ty CP Đầu tư Xây dựng SOL E&C, Công ty CP Sữa Vitadairy Việt Nam, Công ty CP Đầu tư Bất động sản Taseco, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Liên doanh Stellapharm, Công ty CP Giải pháp Công nghệ CNC và Công ty CP Giao nhận Vận tải Con Ong (Bee Logistics).

Theo Vietnam Report, CAGR trung bình của Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam giai đoạn 2019-2022 đạt 25,3%, trong đó, khu vực Tư nhân đạt 26,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 22,4% và khu vực Nhà nước đạt 17,7%. Có thể thấy, năm nay, khu vực Tư nhân vẫn dẫn đầu và có mức tăng (+1,1%) so với giai đoạn trước. Trong khi đó, so với giai đoạn trước, ở khu vực Nhà nước và FDI, tốc độ tăng trưởng doanh thu kép lại chưa có nhiều sự cải thiện. Tuy nhiên, xét về số lượng doanh nghiệp, tỷ trọng doanh nghiệp nằm trong hai khu vực này lại có sự gia tăng lần lượt (+3,6%) và (+0,4%) so với năm trước.

Cũng trong khuôn khổ công bố Bảng xếp hạng FAST500 năm 2024, Vietnam Report tiến hành khảo sát các doanh nghiệp nhằm phác họa bức tranh tăng trưởng toàn cảnh của doanh nghiệp Việt Nam, những yếu tố quan trọng nhất đóng góp cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm qua và những định hướng hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Những ngành có tiềm năng tăng trưởng trong năm 2024.

Top 4 ngành có tiềm năng tăng trưởng

Khảo sát doanh nghiệp FAST500, thực hiện bởi Vietnam Report – Tháng 2/2022-2024

Bên cạnh đó, theo kết quả khảo sát doanh nghiệp mới nhất do Vietnam Report thực hiện, ngành công nghệ thông tin đã ghi nhận năm thứ ba liên tiếp giữ vị trí số một trong các ngành có tiềm năng tăng trưởng. Làn sóng công nghệ bùng nổ trên toàn cầu đã hỗ trợ cho những kỳ vọng lạc quan về triển vọng của ngành. Theo công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ Gartner, chi tiêu công nghệ thông tin toàn cầu được dự báo duy trì mức tăng trưởng cao trong năm 2024 với chi tiêu cho công nghệ điện toán đám mây và AI là hai động lực chính cho tăng trưởng. Điều này tạo ra những tín hiệu tích cực cho tiềm năng bứt phá của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, hướng tới hợp tác, liên kết và xuất khẩu công nghệ. Thêm vào đó, Việt Nam đang bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị công nghệ khi các dự án đầu tư nước ngoài được khuyến khích vào lĩnh vực sản xuất chip và công nghệ cao, tạo ra một môi trường phát triển đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp trong ngành.

Vị trí thứ hai trong thuộc về ngành Điện/Năng lượng với sự lựa chọn của 50% số doanh nghiệp. Con số này gia tăng đáng kể so với kết quả khảo sát được thực hiện vào năm 2023 (+16,7%) và năm 2022 (+22,1%). Trong năm 2024, sự phục hồi của hoạt động sản xuất và xây dựng dự kiến sẽ giữ động lực cho tăng trưởng nhu cầu điện. Mảng xây lắp điện cũng được kỳ vọng tăng tốc với dự án trọng điểm đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối, trong khi điện khí LNG với vị thế quan trọng trong hành trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam sẽ có nhiều tiềm năng lớn. Theo Quy hoạch VIII, trong năm 2030, công suất nguồn điện từ LNG sẽ đóng góp 15% tổng công suất nguồn. Bên cạnh đó, về mảng dầu khí, nhu cầu dầu thô toàn cầu vẫn đang trên đà tăng trưởng trước rủi ro thắt chặt nguồn cung vẫn hiện hữu do các nước OPEC+ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng, xung đột Nga - Ukraine kéo dài, và căng thẳng địa chính trị leo thang tại Trung Đông. Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ước tính từ mức trung bình 99,4 triệu thùng/ngày vào năm 2022, nhu cầu tiêu thụ toàn cầu đã tăng thêm gần 1,6 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và tiếp tục tăng thêm 1,4 triệu thùng/ngày trong 2024. Do đó, triển vọng của ngành được dự báo tương đối khả quan, đặc biệt là các công ty thượng nguồn nhờ hoạt động thăm dò và khai thác sôi động hơn.

Vietnam Report nhận định năm 2024 là một năm còn nhiều thách thức lớn cần giải quyết, song cũng không thể phủ nhận những động lực và thời cơ mới dẫn dắt nỗ lực phục hồi của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng đang dần rõ ràng. Dù không quá hứa hẹn cho một câu chuyện tăng trưởng đột phá sẽ diễn ra, nhưng với đòn bẩy từ việc phát huy các động lực truyền thống, cùng bệ phóng vững chắc từ môi trường pháp lý ngày càng hoàn thiện và đồng bộ, doanh nghiệp có cơ sở kỳ vọng 2024 sẽ là một “vùng đệm” quan trọng để chuyển giao sang thời kỳ phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Hương Lan