Tài chính xanh: Làn sóng chuyển đổi nổi lên từ các chính phủ châu Á
Châu Á đang ở thời điểm rất tích cực so với các khu vực khác trên thế giới về hoạt động chuyển đổi tài chính xanh, trong khi khu vực châu Âu e ngại vì lo sợ bị buộc tội tẩy xanh.
Thời điểm phù hợp
Theo các chủ ngân hàng và nhà quản lý tài sản, các chính phủ ở châu Á đang chuẩn bị tung ra một loạt hướng dẫn về tài chính chuyển đổi trong năm nay, nhằm nỗ lực mang lại sự rõ ràng cho các nhà đầu tư và giúp đẩy nhanh nỗ lực của khu vực doanh nghiệp trong việc cắt giảm lượng khí thải carbon.
Khoảng 50 quốc gia trên thế giới đã công bố một số hình thức hướng dẫn xanh và bền vững hoặc đang phát triển nó
Ví dụ mới nhất là Thượng Hải, nơi phân loại tài chính chuyển đổi do chính quyền thành phố công bố có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/1/2024. Cơ quan tiền tệ Hồng Kông cũng đang chuẩn bị khung tài chính chuyển đổi, để phân loại xem liệu các hoạt động có thể giúp những công ty sử dụng nhiều carbon có thể đạt mức phát thải ròng bằng 0 hay không.
Theo SCMP đưa tin, Giám đốc điều hành của tổ chức Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu phi lợi nhuận có trụ sở tại Vương quốc Anh - ông Sean Kidney cho biết, chúng ta sẽ thấy hướng dẫn được đưa ra với tốc độ nhanh chóng trong năm nay, điều này giúp các ngân hàng dễ dàng hơn trong việc tìm ra giải pháp cho câu chuyện tiếp cận vốn hiệu quả.
“Những hướng dẫn này là cần thiết để thúc đẩy việc cho vay dành cho các kế hoạch chuyển đổi của doanh nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay. Tuy nhiên, việc có quá nhiều hướng dẫn từ nhiều Chính phủ cũng có thể là nguồn thông tin mâu thuẫn nhau.
Khoảng 50 quốc gia trên thế giới đã công bố một số hình thức hướng dẫn xanh và bền vững hoặc đang phát triển nó. Thách thức trong năm nay là đảm bảo chúng ta có cách tiếp cận toàn cầu. Các tổ chức như Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) sẽ tiến hành nghiên cứu để so sánh cách phân loại của các quốc gia khác nhau nhằm mang lại sự rõ ràng cho các tổ chức tài chính và nhà đầu tư. Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể sẽ đóng một vai trò đáng kể trong việc này”, ông nói.
Còn theo người đứng đầu về phát triển bền vững tại Crédit Agricole CIB - ông Tanguy Claquin chia sẻ: “Là một chủ ngân hàng, tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta rất khó để phát triển thị trường nếu không có hướng dẫn thế nào là xanh. Ở châu Á, chúng tôi thấy một loạt các phương pháp phân loại đang được phát triển, cần có những nguyên tắc cụ thể nhưng cũng cũng cần có sự giao thoa hội tụ”.
Theo báo cáo của Sustainent Fitch, tại Trung Quốc, 10 tỉnh, thành phố đã lập kế hoạch chuyển đổi, tỉnh Hà Bắc cũng như các thành phố Hồ Châu, Thiên Tân và Trùng Khánh đều đã công bố hướng dẫn về các hoạt động tài trợ chuyển đổi tại địa phương.
Riêng phân loại tài chính chuyển đổi của Thượng Hải bao gồm sáu lĩnh vực: vận tải đường thủy, luyện kim và chế biến kim loại màu, nhà máy lọc dầu, sản xuất nguyên liệu hóa học, sản xuất ô tô và hàng không.
Ở khu vực Đông Nam Á, vào tháng 12/2023, Cơ quan tiền tệ Singapore cũng đưa ra hệ thống phân loại về tài chính bền vững, trong đó đặt ra các ngưỡng và tiêu chí để xác định những hoạt động xanh và chuyển đổi góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu trên tám lĩnh vực.
Grover Burthey, người đứng đầu bộ phận quản lý danh mục đầu tư ESG tại Pimco, một trong những nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới bình luận, các nhà đầu tư cần sự rõ ràng để hiểu cách sử dụng và tác động đối với dòng vốn của họ. Ông nói, các nhà đầu tư toàn cầu như Pimco tin rằng, tài chính chuyển đổi mang lại những cơ hội to lớn ở châu Á, điều này sẽ bổ sung và làm đa dạng hóa các khoản đầu tư từ châu Âu và Mỹ.
Ví dụ vào tháng 2, Nhật Bản đã phát hành trái phiếu chuyển đổi có chủ quyền đầu tiên trên thế giới trị giá 1.600 tỷ Yên (10,6 tỷ USD), với phần lớn số tiền thu được được phân bổ để hỗ trợ cho nỗ lực của Nhật Bản nhằm hạn chế nhiệt độ tăng lên 1,5 độ C so với mức trước công nghiệp hoá, bao gồm năng lượng tái tạo và sử dụng hydro trong sản xuất thép. Chính sự đón nhận của thị trường đối với điều đó đã nói lên rằng, thị trường rất sẵn sàng xem xét nhu cầu của từng quốc gia.
Có thể thấy, khu vực châu Á đang ở thời điểm rất tích cực so với các khu vực khác trên thế giới về hoạt động chuyển đổi tài chính xanh, trong khi tại châu Âu khá e ngại vì lo sợ bị buộc tội tẩy xanh.
Kỳ vọng cho Việt Nam
Tại Việt Nam, theo thống kê từ năm 2019-2023, Việt Nam đã phát hành trái phiếu xanh được 1,157 tỷ USD. Đến nay, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã định hình nền tảng và phát triển với 3 cấu phần gồm: thị trường tín dụng xanh; thị trường cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh.
Việc phát triển thị trường tài chính xanh cũng như huy động tài chính xanh tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn
Bộ Tài chính đã phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện khung khổ pháp lý về trái phiếu xanh. Trên thị trường có các sản phẩm trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương phục vụ cho các dự án/công trình “xanh” như thủy lợi, bảo vệ môi trường, điện gió, năng lượng mặt trời. Để khuyến khích thị trường trái phiếu xanh phát triển, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư hướng dẫn chủ thể phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh được hưởng ưu đãi giảm 50% mức giá dịch vụ của trái phiếu xanh trên thị trường chứng khoán…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc phát triển thị trường tài chính xanh cũng như huy động tài chính xanh tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do tính thanh khoản trên thị trường tài chính xanh Việt Nam hiện nay còn khá thấp. Nhận thức về tài chính xanh của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp chưa cao và chưa có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến các sản phẩm này. Trong khi đó, việc triển khai tín dụng xanh trên thực tế đòi hỏi lượng vốn lớn, thời gian đầu tư lâu dài, quy trình thẩm định phức tạp, hiệu quả tài chính chưa cao.
Các chuyên gia cho rằng, để giải quyết những vấn đề đặt ra, Chính phủ cần nhanh chóng ban hành các chính sách, công cụ để tạo môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới phát triển xanh và bền vững.
Cụ thể như xây dựng cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực tài chính trong nước và quốc tế, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính xanh cho doanh nghiệp nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp trở thành tổ chức tài chính dẫn dắt thị trường sản xuất và tiêu dùng xanh trong nền kinh tế, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đặc biệt, thử nghiệm đấu giá các giấy phép nhập khẩu đối với những hàng hoá gây ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái. Đây là chính sách cần thiết có tác động điều chỉnh trực tiếp đối với các sản phẩm gây hại đến môi trường, phát thải các chất gây phản ứng nhà kính, thông qua đó, số tiền mà Nhà nước thu được để thiết lập bảo vệ môi trường.
Theo Diendandoanhnghiep