Động lực tăng trưởng mới trong chu kỳ kinh tế phục hồi
Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ kinh tế phục hồi, các doanh nghiệp cần tinh gọn để “sống sót” qua giai đoạn khó khăn, nắm bắt các thời cơ bứt phá.
Bà Đặng Nguyệt Minh - Giám đốc khối nghiên cứu Dragon Capital
Bà Đặng Nguyệt Minh - Giám đốc khối nghiên cứu Dragon Capital cho biết:
Kinh tế Việt Nam trong năm 2024 sẽ có nhiều cơ hội hơn là khó khăn. Nhận diện về nhưng cơ hội lớn, chúng tôi cho rằng cần chú ý 2 điểm:
Thứ nhất, mức hàng tồn kho đã trở về mức bền vững. Năm 2023, ngành sản xuất của Việt Nam đã trải qua giai đoạn đầy khó khăn do hàng tồn kho lớn. Tuy nhiên, trên toàn thế giới hiện đã trải qua chu kỳ giảm hàng tồn kho.
Theo dõi của Dragon Capital về 2 chỉ số là chỉ số hàng tồn kho nhà sản xuất châu Âu, châu Mỹ và chỉ số hàng tồn kho nhà bán lẻ trên toàn cầu thì đâu đó mức hàng tồn kho đã trở về mức bền vững. Điều này cho phép kỳ vọng có thể đáy sản xuất đã qua và năm 2024 là năm Việt Nam phục hồi kinh tế.
Thứ hai, đồng pha giảm lãi suất. Vào tháng 11 năm ngoái lần đầu tiên số lượng các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới giảm lãi suất nhiều hơn các ngân hàng tăng lãi suất. Đây là điều kiện cần thiết bởi trong kinh tế, mặt bằng lãi suất là nền tảng cho đầu tư tăng trưởng. Tuy nhiên, Việt Nam đi trước trong cắt giảm lãi suất nhưng có sự đồng pha của toàn cầu còn là yếu tố quan trọng hơn.
Từ những cơ hội trên, nhận định về xu hướng đầu tư, chúng tôi cho rằng, xu thế dòng tiền cả đầu tư trực tiếp lẫn đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán trong năm 2024 sẽ mạnh mẽ và rõ ràng hơn.
Về các động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, ở khu vực xuất khẩu, như tôi đã phân tích ở trên, vùng đáy xuất khẩu đã qua và chu kỳ hồi phục mới bắt đầu. Bên cạnh đó, Chính phủ đã rất quyết đoán đẩy mạnh đầu tư công đang tạo nền tảng cần thiết cũng như nền tảng niềm tin cho doanh nghiệp đầu tư trở lại. Với động lực tiêu dùng, đâu đó ta phải đợi độ thấm của mặt bằng lãi suất và một số chính sách hỗ trợ, hy vọng nửa sau của năm 2024 sẽ có tín hiệu phục hồi tích cực hơn.
Ngoài những động lực tăng trưởng trên, trên thế giới hiện có 4 động lực tăng trưởng mới đang có xu hướng phát triển mạnh. Đó là năng lượng sạch, trí tuệ nhân tạo và ngành bán dẫn, xe điện, công nghệ sinh học.
Ở Việt Nam, chúng tôi nhận thấy năng lượng sạch được đề cập khá nhiều. Trong khi những động lực còn lại chưa được bàn luận nhiều về cơ chế chính sách. Điều này cho thấy, Việt Nam còn nhiều cơ hội mới để làm động lực tăng trưởng những năm tiếp theo.
Là nhà đầu tư, chúng tôi quan tâm nhiều đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Làn sóng chuyển dịch về sản xuất Trung Quốc +1 đã bắt đầu từ năm 2014 và thực sự mạnh mẽ từ năm 2018.
Việt Nam đã thu hút nhiều doanh nghiệp “khủng long” trên thế giới như Apple, Samsung, LG... song để trở thành cường quốc sản xuất chúng ta cần có hệ sinh thái đầy đủ của các doanh nghiệp này. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cần hỗ trợ về dòng vốn, chất lượng nhân công. Đây là động lực tăng trưởng lớn để chúng tôi lựa chọn cơ hội đầu tư.
Theo Diendandoanhnghiep