Đề xuất trần lãi vay tiêu dùng để cân bằng quyền lợi giữa các bên
Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần có quy định giới hạn trần lãi suất cho vay và giới hạn các loại phí quản lý khoản vay để cân bằng quyền lợi chính đáng giữa bên vay và bên cho vay.
Hiện pháp luật chưa có quy định cụ thể mức lãi suất trần và mức lãi suất tối đa đối với hình thức vay tiêu dùng của các tổ chức tài chính. Trên thực tế nhiều trường hợp người vay không đồng ý trả gốc và lãi vì cho rằng tiền lãi quá cao vượt quá khả năng gánh vác của họ.
Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần có quy định giới hạn trần lãi suất cho vay và giới hạn các loại phí quản lý khoản vay.
Việt Nam được đánh giá mức lãi, phí của hoạt động cho vay tiêu dùng tương đối cao so với các nước khác. Mức lãi suất vay tiêu dùng phổ biến mà các công ty tài chính áp dụng từ 40 - 50%/năm, cá biệt, một số trường hợp có lãi vay lên đến 85%/năm. Mức lãi suất 85%/năm là khó có thể chấp nhận được, gây rủi ro cho bên cho vay.
Bên cạnh đó, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng tiêu dùng của riêng các công ty tài chính, tính đến cuối quý III đang sụt giảm tới 40% so với đầu năm. Trong khi đó, nợ xấu lại tăng tới 10 -15% khiến các công ty tài chính không dám cho vay.
Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, nợ xấu tín dụng tiêu dùng đã tăng lên khoảng 5%. Trong khi đó, tăng trưởng cho vay trong lĩnh vực này co hẹp chỉ còn 1,4% trong 10 tháng đầu năm nay
Do đó, theo các chuyên gia, cần có quy định giới hạn trần lãi suất cho vay và giới hạn các loại phí quản lý khoản vay để cân bằng quyền lợi chính đáng giữa bên vay và bên cho vay.
TS. Lê Thị Hoàng Thanh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) kiến nghị, cần xây dựng khung khổ pháp lý nhằm nâng cao nghĩa vụ của người đi vay với tổ chức tín dụng và có các biện pháp hữu hiệu, chặt chẽ để bên đi vay phải thực hiện đúng nghĩa vụ, không thể chây ỳ trả nợ. Các quy định hiện hành vẫn tiếp cận theo hướng người đi vay là bên yếu thế và có nhiều quy định bảo vệ quyền lợi cho người yếu thế. Trong khi đó, thiếu một số quy định cần thiết ở góc độ đảm bảo lợi ích chính đáng của người cho vay công ty tài chính tiêu dùng.
Trang Nhi