Kinh tế số, nhìn từ Đà Nẵng
Những năm gần đây, ngành thông tin truyền thông có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng, liên tục tăng trưởng ổn định qua trong nhiều năm qua.
Cụ thể, giai đoạn 2021-2023, tổng doanh thu toàn ngành thông tin truyền thông khoảng 48.155,7 tỷ đồng, tăng 6,36%/năm; kim ngạch xuất khẩu phần mềm khoảng 376,5 triệu USD, tăng 16,5%/năm. Năm 2022, quy mô giá trị tăng thêm toàn ngành theo giá hiện hành đạt 9.079 tỷ đồng, mở rộng gần 859,7 tỷ đồng so với năm 2021, chiếm 7,2% trong cơ cấu GRDP toàn ngành kinh tế...
Đồng thời, hiện Đà Nẵng có bình quân 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân, đứng thứ hai cả nước (sau TP. Hồ Chí Minh), gấp hơn 3 lần tỷ lệ trung bình 0,7 doanh nghiệp công nghiệp số/1.000 dân của cả nước. Tổng nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) thành phố khoảng 47.500 người, chiếm tỷ lệ 7,7% tổng số lao động của địa phương.
Để có được kết quả đó, Đà Nẵng đã có sự chuẩn bị và đầu tư mạnh đối với hoạt động chuyển đổi số và đạt những kết quả bước đầu trên 3 trụ cột là chính quyền số - kinh tế số - xã hội số, góp phần không nhỏ vào quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn...
Riêng năm 2022, kinh tế số của Đà Nẵng chiếm tỷ trọng 19,67% GRDP. Trong đó, ngành CNTT có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân trên 20%/năm. Về xã hội số, nhiều kết quả của Đà Nẵng vượt chỉ tiêu chung của cả nước về chuyển đổi số năm 2023 như: 95% thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh (chỉ tiêu cả nước 80%); 99% hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng trên (chỉ tiêu cả nước 85%); số tài khoản giao dịch đang còn hoạt động tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác của người từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn hơn 3,55 triệu tài khoản, gấp 6 lần số người dân từ 15 tuổi trở lên…
Đà Nẵng tăng cường thu hút chuyên gia công nghệ số, nhân lực CNTT chất lượng cao, các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn
Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đánh giá, Đà Nẵng tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức số với việc áp dụng phương châm hành động “3 cần”: Một là cần sự gương mẫu và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết tâm cao nhất của cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, vai trò tiên phong của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên, tổ công nghệ số cộng đồng. Hai là cần xây dựng chiến lược, kế hoạch truyền thông tổng thể về chuyển đổi số để triển khai nhất quán, xuyên suốt toàn thành phố. Ba là cần nội dung truyền thông bảo đảm yếu tố đại chúng, ngắn gọn, gần gũi.
Mới đây nhất, Đà Nẵng ban hành Kế hoạch số 163/KH-UBND về phát triển công nghiệp CNTT trên địa bàn đến năm 2030. Theo đó, một số giải pháp chính có thể kể đến như tuyên truyền, nâng cao nhận thức; phát triển hạ tầng, nhân lực, ứng dụng CNTT; thu hút đầu tư và nguồn lực bên ngoài; hợp tác phát triển sản phẩm, xúc tiến thương mại và nghiên cứu khoa học… Trên cơ sở đó, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển CNTT, chuyển đổi số, khẳng định mũi nhọn vững chắc của ngành CNTT.
Cùng với đó, Đà Nẵng tập trung đầu tư phát triển số hoa hạ tầng CNTT. Đến nay, hạ tầng CNTT - truyền thông đã có những bước phát triển vượt bậc, được mở rộng theo hướng dịch vụ đa dạng, phong phú với chất lượng ngày càng cao đáp ứng các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, cũng như sẵn sàng cho việc triển khai xây dựng thành phố thông minh, phát triển chuyển đổi số.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để phát triển ngành kinh tế số một cách bền vững, có chiều sâu, chính quyền địa phương cần có chiến lược hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đồng hành với thành phố. Theo bà Trần Hạnh Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng, nhiều ứng dụng được thành phố triển khai thời gian qua đều được doanh nghiệp và người dân đánh giá cao. Để phát huy thêm những kết quả đạt được, chính quyền thành phố cần tăng cường kết nối, hợp tác với các đô thị thông minh trong và ngoài nước tiêu biểu như Nhật Bản và Hàn Quốc - các nước có nhiều nhà đầu tư tại Đà Nẵng. Qua đó, học tập kinh nghiệm để ứng dụng những mô hình thành công, khả thi tại Đà Nẵng. Đà Nẵng cần dành thêm nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp thông tin. Qua đó vừa phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, vừa phát huy và tận dụng nguồn lực tại chỗ.
Hiện Đà Nẵng đề ra mục tiêu đến năm 2030, công nghiệp CNTT - truyền thông chiếm tối thiểu 10% GRDP thành phố vào năm 2025. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP. Trong đó, công nghiệp CNTT chiếm tối thiểu 15% GRDP.
Do đó, để đáp ứng nhu cầu phát triển đối với ngành kinh tế số, nhất là phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, UBND Đà Nẵng ban hành Kế hoạch số 193/KH-UBND về phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số đến năm 2025. Trong đó, xác định việc phát triển nguồn nhân lực từ 4 nhóm đối tượng: các cơ quan Nhà nước; các doanh nghiệp công nghệ và doanh nghiệp sử dụng công nghệ số; các cơ sở giáo dục, đào tạo và trong cộng đồng xã hội. Đồng thời, tăng cường thu hút chuyên gia công nghệ số, nhân lực CNTT chất lượng cao, các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn đến đầu tư; bổ sung nội dung đào tạo về chuyển đổi số vào chương trình đào tạo ở bậc sau đại học, đại học và dạy nghề… để tăng chất lượng nhân lực số.
Theo Thoibaonganhang